Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Các phân khúc bất động sản hút nhà đầu tư ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia nhận định, hiện nay, lĩnh vực bất động sản của Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài.

Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Điều này diễn ra không chỉ tại những vị trí và phân khúc có dư địa phát triển tốt mà sức hấp dẫn đang trải dài trên các phân khúc.

Ông Nguyễn Trọng Toàn - Quản lý bộ phận đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại. Đơn cử như với phân khúc bất động sản nhà ở, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và có xu hướng phát triển các dự án mang thương hiệu riêng của mình trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở của người dân cao.

Tại các dự án, các chủ đầu tư nước ngoài sẽ tận dụng lợi thế của họ về thương hiệu, ý tưởng thiết kế, cùng tiêu chuẩn và chất lượng xây dựng. Do đó, các sản phẩm phát triển dù ở phân khúc cao cấp vẫn luôn được thị trường đón nhận tích cực – ông Toàn dự báo.

Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản văn phòng cũng nhận được nhiều sự chú ý. Theo quan sát của Savills, thị trường chứng kiến tăng trưởng nguồn cầu từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn, góp phần duy trì tỷ lệ lấp đầy ổn định.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, xu hướng thị trường văn phòng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh như các chứng chỉ LEED, WELL, BREEAM...

Riêng với thị trường Hà Nội, ông Toàn nhận định: nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mở rộng phạm vi đầu tư tại những khu vực đang phát triển của thành phố thay vì tập trung tại các quận trung tâm. Đây cũng chính là động thái nhằm đón bắt xu hướng dịch chuyển của nhóm văn phòng cơ quan hành chính công tư, sự phát triển của hạ tầng giao thông thành phố và xu hướng tập trung dân cư tại một số dự án đại đô thị bao quanh thành phố.

Đối với lĩnh vực bán lẻ, sự gia nhập của các "ông lớn" về mảng bán lẻ đã chứng minh sự nổi bật và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn đang tích cực tìm kiếm quỹ đất để triển khai các dự án bất động sản thương mại dịch vụ hiện đại với quy mô lớn, tập trung vào trải nghiệm của người tiêu dùng.

Điển hình như vào đầu tháng 2/2024, "ông trùm" bất động sản bán lẻ Central Pattana – một thành viên của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group đã rục rịch thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhằm gia nhập thị trường bán lẻ sôi động này.

Hay trước đó, THISO (Tập đoàn thành viên của THACO) sau khi mở đại siêu thị Emart thứ 3 tại Tp. Hồ Chí Minh đã cho thấy chiến lược mở rộng đại siêu thị thứ 4 tại phía Bắc với việc mua lại quỹ đất rộng 2,4 ha tại Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Phân khúc thị trường khách sạn cũng cho thấy đang trên đà phục hồi. Theo Báo cáo Thị trường của Savills Việt Nam công suất thuê và giá thuê khách sạn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều ghi nhận mức tăng. Cụ thể, công suất thuê tại Hà Nội tăng 21% theo năm với giá thuê trung bình theo đêm tăng 28% theo năm.

Tương tự, công suất thuê khách sạn tại TP Hồ Chí Minh tăng 18% theo năm với phân khúc 5 sao và đây cũng là phân khúc thể hiện sự cải thiện mạnh nhất, đạt 61% và giá phòng trung bình tăng 14% theo năm, đạt mức 2,9 triệu đồng/phòng/đêm.

Tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn liên tục được cải thiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao khả năng phục hồi của phân khúc này và tin tưởng vào dư địa phát triển của thị trường khách sạn tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng, đây cũng chính là thời điểm phù hợp để tham gia thị trường.

Ngoài sức hút riêng của từng phân khúc đối với nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Trọng Toàn nhận xét thêm, nếu như trước đây chủ yếu nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào sẽ ưu tiên phương án đầu tư chiếm quyền kiểm soát thì giờ đây họ cởi mở hơn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau, từ đầu tư tài chính, góp vốn, tới việc hợp tác kinh doanh… để khai thác tối đa tiềm năng thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian tìm hiểu thị trường cũng mở rộng phạm vi về địa điểm của dự án, đặc biệt trong việc nghiên cứu cơ hội đầu tư tại khu vực ngoài các thành phố lớn.

Với lợi thế từ yếu tố vĩ mô và sức hút trên hầu hết các phân khúc bất động sản, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền và nhà đầu tư ngoại. Nhất là khi các nhà đầu tư ngoại ngày càng cởi mở hình thức đầu tư hơn so với trước kia.

Có thể bạn quan tâm