Thời sự - Sự kiện

Các quốc gia thành viên NATO liên tiếp có những động thái mới trước ngày ông Trump nhậm chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bào trả lời phỏng vấn trên tờ Suddeutsche Zeitung số ra ngày 18/1, ông Pistorius cũng cho rằng Đức nên hướng tới mục tiêu chi tiêu quốc phòng khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

tong-thong-ukraine-zelensky-va-thu-tuong-anh-keir-starmer-tham-gian-hang-trung-bay-uav-anh-militarnyi.jpg
Tổng thống Ukraine Zelensky và Thủ tướng Anh Keir Starmer thăm gian hàng trưng bày UAV, Ảnh: Militarnyi

Khi được hỏi về khả năng điều động quân đội Đức hỗ trợ bảo vệ vùng đệm giữa Nga và Ukraine nếu đạt được thỏa thuận, Bộ trưởng Pistorius khẳng định: “Chúng ta là đối tác NATO lớn nhất ở châu Âu. Rõ ràng chúng ta có vai trò phải đảm nhận”. Ông tiết lộ chủ đề này “sẽ được thảo luận vào thời điểm thích hợp”.

Trước đó, ngày 16/1, Ukraine và Anh đã ký Thoả thuận hợp tác 100 năm bao gồm 9 trụ cột chính và được London ca ngợi “là một bước tiến lớn trong việc hỗ trợ an ninh lâu dài của Ukraine và cam kết sát cánh cùng một Ukraine có chủ quyền trong thế kỷ tới”.

Anh là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Kiev trong quá trình Nga – Ukraine xung đột. Theo thỏa thuận mới, Anh cam kết viện trợ quân sự hàng năm cho Ukraine khoảng 3 tỷ Bảng (3,66 tỷ USD) cho đến năm tài chính 2030 - 2031.

Quan hệ Nga - NATO đã xuống mức thấp nhất, kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng 2/2022.

NATO coi Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất với an ninh của các đồng minh", trong khi Điện Kremlin tuyên bố sự bành trướng về phía đông của NATO là mối nguy hiện hữu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Nga trong vòng 24 giờ. Phe của ông Trump sau đó thừa nhận Tổng thống đắc cử Mỹ cần thêm thời gian khoảng 6 tháng và có thể thêm nữa.

Tuy nhiên, những cuộc thảo luận có thể sẽ sớm bắt đầu, đặc biệt là với một cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mặc dù vậy, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte mới đây nhận định Ukraine hiện chưa ở vị thế đủ mạnh để khởi động bất kỳ cuộc hòa đàm nào với Nga.

Theo Bộ trưởng Pistorius, lực lượng Nga hiện chiếm đóng “18 hoặc 19% diện tích lãnh thổ của Ukraine”. Tuy vậy, dù chiến tranh đã kéo dài gần 3 năm, song Moscow “không giành được thêm ”bất kỳ phần lãnh thổ nào và đã hứng chịu “tổn thất nặng nề”.

Sau Pháp, Anh, đến lượt Đức cũng cân nhắc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Tình hình xung đột Nga- Ukraine khiến quan hệ giữa các bên càng trở nên phức tạp trong lúc ông Trump chuẩn bị nhậm chức.

Nga kịch liệt chỉ trích những động thái gần đây của NATO, cho rằng chỉ làm leo thang căng thẳng, không có ích cho việc đàm phán lập lại hòa bình ở Ukraine.

Có thể bạn quan tâm