TN - Đất & Người

Các sản phẩm sâm giả trà trộn vào "thủ phủ" sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan chức năng huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân cảnh giác với việc mua bán hạt và củ nhìn bề ngoài giống với sâm Ngọc Linh.

Cơ quan chức năng Kon Tum phát hiện lô hàng củ sâm giả. Ảnh T.T
Cơ quan chức năng Kon Tum phát hiện lô hàng củ sâm giả. Ảnh: T.T
Chiều ngày 4.10, ông Phạm Xuân Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum - cho biết, đơn vị đã lập đoàn kiểm tra về tình hình mua bán hạt và củ sâm Ngọc Linh trên địa bàn, hiện đang thống kê để có báo cáo chính thức. 
Nhiều người dân ở xã Mường Hoong và Ngọc Linh, huyện Đắk Glei phản ánh, những ngày qua xuất hiện nhiều trường hợp rao bán trên thị trường và mạng xã hội loại hạt và củ giống sâm Ngọc Linh. Nhìn bề ngoài, loại củ và hạt này không khác mấy so với sâm Ngọc Linh thật, tuy nhiên khi mua vào thì có giá rẻ hơn.
Hiện tại, đang vào mùa khai thác hạt sâm Ngọc Linh để nhân giống mới nên các “gian thương” dễ dàng tìm củ tam thất và hạt ở các tỉnh phía bắc đưa vào Kon Tum để rao bán, thu lời bất chính. Khi người dân trồng loại hạt này vào vườn sâm sẽ gây nguy cơ biến đổi nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh thật, đồng thời thiệt hại kinh tế và cả thương hiệu cho chính sâm Ngọc Linh thật.

Sâm giả nhìn không khác gì loại sâm Ngọc Linh thật được tôn vinh là Quốc bảo. Ảnh: T.T
Sâm giả nhìn không khác gì loại sâm Ngọc Linh thật được tôn vinh là Quốc bảo. Ảnh: T.T
Hiện tại, mỗi hạt sâm thật có giá khoảng 100.000 đồng, khi ươm thành công sẽ bán với giá 400.000 đồng/cây. Đến vụ thu hoạch, cây ít cho 5-7 quả, nhiều thì 10-12 quả.
Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tư Mơ Rông – cho biết: “Trước đó ở huyện cũng xuất hiện việc này, khi các đối tượng vào địa bàn mua bán sâm và hạt sâm giả thì người dân phát hiện được đã báo tin, chính quyền yêu cầu những người này rời khỏi địa bàn. Có đối tượng còn tìm cách gọi qua điện thoại rao bán hạt sâm cho người dân”.
Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất mua bán rượu sâm và củ sâm Ngọc Linh giả mạo xuất xứ hàng hóa với số lượng lớn để tiêu thụ ngoài thị trường.
Ngày 1.3.2021, lực lượng chức năng Kon Tum phát hiện 1 xe khách di chuyển theo hướng Bắc - Nam, di chuyển trên QL14 đoạn qua thị trấn Đắk Tô. Lơ xe khách nhảy xuống xe và bỏ lại 3 thùng xốp xuống ven đường.
Bên ngoài các thùng xốp này ghi hoa phong lan Đăk Tô, tuy nhiên không có địa chỉ người gửi, người nhận. Sau đó, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng xốp đựng 2kg củ và 12kg lá có hình dáng giống sâm Ngọc Linh. Các đối tượng mua củ giống sâm ở các tỉnh phía bắc đưa vào khu vực các huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông để giả mạo sâm Ngọc Linh bán lấy lời.
Chiều 3.2.2021, Đội Quản lý thị trường số 2, tỉnh Kon Tum phát hiện 7 thùng rượu với số lượng 112 chai rượu lá sâm Ngọc Linh, tại khối phố 8, thị trấn Đắk Tô huyện Đắk Tô. Tất cả số rượu trên còn nguyên chai, xác minh địa chỉ sản xuất của lô hàng trên tại số 426/31, đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Sau đó, Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam phối kết hợp kiểm tra cơ sở nói trên phát hiện thêm hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Tất cả số hàng trên không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Sâm Ngọc Linh được xem là bảo vật Quốc gia với hàm lượng chất Saponin bảo vệ tốt cho sức khỏe, tuy nhiên với thị trường hàng giả lộng hành đã làm ảnh hưởng đến nguồn gốc cũng như uy tín thương hiệu của sâm quý.
THANH TUẤN (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/cac-san-pham-sam-gia-tra-tron-vao-thu-phu-sam-ngoc-linh-960142.ldo

Có thể bạn quan tâm