Hồng Kông một lần nữa chiếm danh hiệu thành phố đắt đỏ nhất đối với người lao động nước ngoài trong Khảo sát chi phí sinh hoạt năm 2024 của Mercer.
Thành phố châu Á này cũng đứng đầu danh sách các năm 2022 và 2023, theo sát là Singapore ở vị trí thứ hai.
Đáng chú ý, có tới 4 thành phố của Thụy Sĩ trong top 10 gồm Zurich, Geneva, Basel và Bern lần lượt ở vị trí thứ 3, 4, 5 và 6.
New York, Mỹ, chiếm vị trí thứ 7, trong khi thủ đô London của Anh, đứng ở vị trí thứ 17 năm ngoái, đã nhảy lên vị trí thứ 8. Nassau của Bahamas chiếm vị trí thứ 9 và Los Angeles vào top 10.
Các thành phố ở Việt Nam có chi phí sinh hoạt thấp với người nước ngoài. Ảnh Bùi Văn Hải |
Báo cáo đã khảo sát 226 thành phố dựa trên chi phí so sánh của hơn 200 mặt hàng ở mỗi địa điểm, bao gồm giao thông, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và giải trí. Hai thành phố của Việt Nam là Hà Nội xếp vị trí 172, còn TP.HCM đứng ở 178. Trong khu vực Đông Nam Á, Jakarta của Indonesia xếp hạng 157, Manila (Philippines) ở vị trí 131, còn Bangkok (Thái Lan) 129, Phnom Penh (Campuchia) đắt đỏ hơn phần lớn các thành phố trong khu vực khi ở vị trí 123, trong khi Kuala Lumpur (Malaysia) có chi phí sinh hoạt thấp, xếp hạng 200.
Theo báo cáo, thị trường nhà ở đắt đỏ và chi phí vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ tăng cao là một trong những lý do khiến chi phí sinh hoạt ở các thành phố xếp hạng hàng đầu đặc biệt cao.
Ngoài ra, "lạm phát và biến động tỷ giá hối đoái" được ghi nhận đã ảnh hưởng trực tiếp đến "tiền lương và tiết kiệm" của người lao động quốc tế.
Nghiên cứu cũng lưu ý rằng chi phí sinh hoạt ở Mỹ là "vấn đề quan trọng" vào năm 2024, với 7 thành phố của nước này xuất hiện trong top 20.
Các thành phố được xếp hạng thấp nhất về chi phí sinh hoạt là Islamabad của Pakistan, Lagos và Abuja của Nigeria. Tuy nhiên, điều này được cho là một phần do "sự mất giá của tiền tệ".