Trong đó, yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống thủy lợi, đê điều nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng, qua đó có phương án đảm bảo an toàn công trình. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất trái phép gây ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê và khả năng thoát lũ.
Tại tỉnh Gia Lai, để chủ động hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện xây dựng và chuẩn bị phương án cứu trợ theo phương châm “4 tại chỗ”; bảo đảm nguồn nhu yếu phẩm để ổn định đời sống Nhân dân trước, trong và sau thiên tai; hướng dẫn nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khác.
Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh này yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở nơi không an toàn, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn; có phương án bảo đảm hậu cần và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm sơ tán.