Đây là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tăng cường các hoạt động liên kết cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các DN của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên với một số địa phương khác.
Các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng hóa. |
Ngày 8-10, tại TP. Đà Nẵng, hội nghị kết nối cung cầu thương mại, hàng hóa khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã được tổ chức với sự tham dự của 432 DN và 23 Sở Công Thương trong cả nước.
Báo cáo tại hội nghị cho biết khu vực miền Trung-Tây Nguyên với 15 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,5-11%/năm. Cơ sở hạ tầng kinh tế từng bước hoàn thiện với 58 khu công nghiệp, 13 khu kinh tế, 4 cảng nước sâu, 247 cụm công nghiệp, 130 siêu thị, 22 trung tâm thương mại…
Khu vực cũng đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tám tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong khu vực duy trì ở mức tăng trưởng khá, sản lượng một số mặt hàng tăng mạnh như tinh bột sắn, may mặc, bia, điện thương phẩm, lốp xe máy, dăm gỗ…; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 369.205 tỉ đồng, tăng 11,5% so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu đạt 4.460 triệu USD, tăng 6,11% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 3.973 triệu USD.
Về tình hình xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu hàng hóa, các địa phương trong khu vực tiếp tục triển khai nhiều nội dung hợp tác phong phú; chủ động hỗ trợ, cung cấp, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của nhau.
Trong đó, nổi bật là chương trình hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩn, quảng bá thương hiệu thông qua hội chợ liên kết vùng kinh tế Tây Nguyên-Gia Lai 2016, hội chợ giao thương doanh nghiệp Kon Tum 2016, hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế, hội chợ thương mại Quảng Bình, hội chợ thương mại và tiêu dùng tại Quảng Nam…
Hội nghị lần này tiếp tục tập trung tìm các giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối cung-cầu giữa các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng.
Nhiều ý kiến đề xuất các Sở Công Thương cần phối hợp trong việc nghiên cứu, khảo sát, cung cấp thông tin về năng lực cung ứng, nhu cầu mua bán hàng hóa hóa trong thực tế. Về phía DN tham gia kết nối, cần phải cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng, quy mô sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung ứng, tiết kiệm chi phí sản xuất…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tăng cường hoạt động liên kết các vùng miền; trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các DN của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước; tạo điều kiện, khuyến khích người tiêu dùng biết đến và ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng.
Thông qua hội nghị này, Bộ Công Thương mong muốn các địa phương, DN, doanh nhân, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất tích cực tham gia kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm một cách ổn định, bền vững với các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, giá thành hợp lý, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Chinhphu.vn