(GLO)- Thay vì dựa vào kinh phí được cấp mỗi năm, nhiều chi đoàn ở Gia Lai có cách gây quỹ độc đáo, hiệu quả, gắn liền với thực tiễn địa phương.
Nhiều mô hình gây quỹ
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi cá, anh Rơ Châm Glin-Bí thư Chi Đoàn làng Roih (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Hồ cá này rộng 1,5 ha. Trước đây, hồ bỏ không vì mùa khô thì cạn nước. Năm 2018, mình lấy ý kiến của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) rồi xin chủ trương của Đảng ủy, UBND xã để tiến hành cải tạo thành hồ nuôi cá”.
Để có kinh phí mua cá giống, 35 ĐVTN vừa đóng góp tiền vừa đi hái cà phê và cạo mủ cao su thuê để gây quỹ được khoảng 5 triệu đồng. Sau đó, Chi Đoàn mua các loại cá: chép, trắm, trê… thả vào hồ nuôi. Các bạn chia từng tổ để cắt cỏ cho cá ăn và trực bảo vệ tài sản. Việc phân chia thời gian phù hợp với điều kiện của mỗi ĐVTN nên ai nấy đều ủng hộ.
Nhờ chăm sóc cẩn thận và đúng quy trình, chỉ sau 4 tháng, cá sinh sôi và phát triển nhanh. Đợt Tết Dương lịch vừa rồi, Chi Đoàn bán được 2 tấn cá. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Chi Đoàn sẽ thu hoạch đợt cuối. Dự kiến tổng quỹ thu được trong 2 đợt khoảng 20 triệu đồng.
Đoàn viên, thanh niên làng Roih (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) nuôi cá gây quỹ Đoàn. Ảnh: Phan Lài |
Anh Glin phấn khởi chia sẻ: Với hồ cá gây quỹ, Chi Đoàn vừa chủ động được thực phẩm để ĐVTN liên hoan vào mỗi dịp sinh hoạt, vừa có tiền trang trải hoạt động. Ngoài nguồn quỹ này, mỗi tháng 1 lần, Chi Đoàn đứng ra nhận khoán làm thuê cho người dân, sau đó huy động ĐVTN tham gia. Việc nhận khoán tùy mùa vụ, mục đích để nguồn quỹ thêm dồi dào.
Ayun là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Vì vậy, việc huy động ĐVTN đóng góp kinh phí rất khó khăn. Để khắc phục khó khăn, hàng năm, Chi Đoàn làng Amil xin chủ trương của Chi bộ, tham khảo ý kiến già làng, Trưởng thôn để tận dụng diện tích đất bỏ hoang và mượn đất của người dân để canh tác gây quỹ.
Chi Đoàn cũng nhận làm cỏ mì, trồng bắp cho người dân để có kinh phí mua giống và phân bón. Mỗi vụ, Chi Đoàn huy động 50 ĐVTN tham gia làm đất trống để trồng mì, bắp và lúa. Chi Đoàn đang quản lý 8 sào lúa, hơn 1 ha mì và bắp. Công chăm sóc, nhổ cỏ, bón phân và thu hoạch đều do ĐVTN đảm nhận. Hàng năm, sau khi thu hoạch, từ 8 sào lúa, Chi Đoàn thu được khoảng 20 triệu đồng; hơn 1 ha mì và bắp bán được khoảng 30 triệu đồng/vụ.
Anh Đinh Hrúi-Bí thư Chi Đoàn làng Amil-cho biết: “Là mô hình của tập thể nên ai nấy đều trách nhiệm. Khi bán sản phẩm, thu được số tiền lớn và được công khai với tất cả mọi người, ai cũng vui mừng, phấn khởi”.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Khi chủ động nguồn quỹ, Chi Đoàn làng Roih đã “tự tin” tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho học sinh khó khăn, gia đình chính sách vào dịp lễ, Tết; hỗ trợ thanh niên lúc ốm đau, hoạn nạn; tặng quà động viên ĐVTN nhập ngũ... Anh Rơ Châm Lát (làng Roih) cho hay: “Từ ngày có quỹ, mỗi quý 1 lần, Chi Đoàn thường tổ chức sinh nhật chung cho ĐVTN. Qua các hoạt động, ĐVTN gắn kết với nhau hơn”.
Nhờ chủ động nguồn quỹ, chi đoàn làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê) mua được cồng chiêng để tập luyện, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Phan Lài |
Anh Trịnh Công Duy-quyền Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh-nhận xét: “Muốn hoạt động Đoàn có hiệu quả thì phải có kinh phí. Thực tế cho thấy, những chi đoàn nào sáng tạo, chủ động được nguồn quỹ thì hoạt động rất sôi nổi. Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình gây quỹ này cho các chi đoàn khác trên địa bàn”.
Cũng nhờ có nguồn quỹ dồi dào, hoạt động của Chi Đoàn làng Amil như được tiếp thêm luồng sinh khí mới. Trong năm 2019 và 2020, Chi Đoàn đã tiết kiệm được 80 triệu đồng mua 2 bộ cồng chiêng. Đồng thời, Đoàn xã Ayun cũng đã thành lập 1 đội cồng chiêng thanh-thiếu niên tại làng Amil, tham gia biểu diễn tại các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức và đều đạt giải cao.
Anh Đinh Nhrối-Bí thư Đoàn xã Ayun-thông tin: “Từ khi có nguồn quỹ, hoạt động được tổ chức chất lượng hơn và đi vào chiều sâu, ĐVTN tham gia đông đủ hơn. Sự chủ động, sáng tạo của các chi đoàn ở địa phương đã góp phần tập hợp, đoàn kết ĐVTN vào tổ chức Đoàn tốt hơn”.
PHAN LÀI