Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

AI giành việc của người trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sự xuất hiện của AI (trí tuệ nhân tạo) giúp con người tăng hiệu suất, phân tích dữ liệu nhanh chóng, cải thiện dịch vụ khách hàng… Mặt khác, một số người trẻ cho rằng họ bị AI "giành" mất công việc vốn mang lại thu nhập tốt.

AI "giành" việc của người trẻ ?

Nguyễn Thanh Vy (33 tuổi, ngụ P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM), đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong công việc khi AI ngày càng phát triển. Là một họa sĩ vẽ đồ họa tự do, trước đây công việc thuận lợi, Thanh Vy kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, những đơn đặt hàng vẽ tranh minh họa ít dần, thu nhập của cô từ đó cũng giảm gần một nửa.

"Khách hàng ưa chuộng sử dụng tranh AI vẽ để minh họa cho bài viết trên tạp chí. Ở dòng ghi chú trước đây là tên mình thì giờ đã thay bằng "minh họa do AI thực hiện". Trong bối cảnh các phần mềm chuyên dụng vẽ đồ họa hầu hết thu phí, mình tăng giá thì khách hàng không đồng ý. Doanh nghiệp chọn tranh AI vẽ để tiết kiệm chi phí thuê họa sĩ minh họa", Thanh Vy nói.

Theo Thanh Vy, sự xuất hiện của các phần mềm minh họa tự động đã ảnh hưởng đến mức giá của dịch vụ vẽ tay. AI giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tạo ra thách thức cho những họa sĩ như cô.

Công việc diễn họa thời trang của Huỳnh Huấn đã bị ảnh hưởng mạnh bởi AI. ẢNH: NVCC
Công việc diễn họa thời trang của Huỳnh Huấn đã bị ảnh hưởng mạnh bởi AI. ẢNH: NVCC

Từ năm 2015 - 2020, công việc chính của Huỳnh Huấn (28 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) là vẽ tranh và diễn họa thời trang. Hồi đó mỗi bản vẽ tay của Huấn có giá từ 1,5 - 2,5 triệu đồng. Sau năm 2020, nhu cầu vẽ tranh hay diễn họa thời trang trên giấy giảm mạnh. Vì vậy, anh chuyển sang thiết kế và thực hiện những mẫu trang phục theo yêu cầu của khách hàng.

Từ đầu năm 2024 đến giờ, Huấn không nhận được đơn đặt hàng nào về vẽ diễn họa, thiết kế thời trang trên giấy. "Những tác phẩm vẽ trên máy trông ảo và có hiệu ứng lung linh hơn. Thu nhập từ công việc vẽ tay của mình giảm dần đi. Bạn nào muốn bám trụ, xem diễn họa là công việc chính thì phải nâng cao tay nghề vẽ trên máy hoặc học cách sử dụng AI làm công cụ", Huấn chia sẻ.

Đã có 2 năm làm voice talent (lồng tiếng, diễn xuất bằng giọng nói trong phim, quảng cáo và các dự án truyền thông...), Trần Thị Mai Thi (22 tuổi, ở P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết từ tháng 12.2023, công việc giảm sút thấy rõ. Theo Mai Thi, nguyên nhân là các doanh nghiệp đã sử dụng âm thanh do AI xử lý thay vì giọng đọc của cô.

"Theo mình biết, doanh nghiệp đã cho nhân viên đọc kịch bản và nhờ AI xử lý, nhấn nhá theo giọng của các voice talent. Thậm chí bây giờ mỗi lần ra sản phẩm mới, các doanh nghiệp chỉ cần viết kịch bản (phần kịch bản này AI cũng có thể hỗ trợ), sau đó nhờ AI giả giọng đọc của voice talent", Mai Thi nói.

Trước đây, mỗi tháng Mai Thi đều đặn có khoảng 10 lượt đọc kịch bản quảng cáo, giờ chỉ còn 2 - 3 lần. Nhận thấy công việc này không còn nhiều cơ hội phát triển nên Mai Thi đã chuyển hướng sang làm MC và livestream bán hàng.

Nên học cách sử dụng AI tích cực

Anh Nguyễn Thiệu Toàn (30 tuổi), giám đốc marketing của một thương hiệu mỹ phẩm, cho biết AI hỗ trợ rất nhiều trong việc sắp xếp nội dung công việc. "Vai trò của mình là tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp, vì vậy khi tư vấn áp dụng AI vào doanh nghiệp thì đúng là có nhiều nhân sự bị thay thế. Thời gian trước 1 doanh nghiệp cần tới 6 - 7 bạn content creator (sáng tạo nội dung) thì nay chỉ cần 2", anh Toàn chia sẻ.

Nhận thấy công việc voice talent không còn dễ kiếm tiền trong bối cảnh AI phát triển nhanh, Mai Thi chuyển hướng sang MC và livestream bán hàng. ẢNH: NVCC
Nhận thấy công việc voice talent không còn dễ kiếm tiền trong bối cảnh AI phát triển nhanh, Mai Thi chuyển hướng sang MC và livestream bán hàng. ẢNH: NVCC

Theo anh Toàn, AI hiện nay có thể áp dụng vào thiết kế, dựng video, tạo âm thanh, hoặc thay thế giọng nói của con người… Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, người lao động chuyên nghiệp trong ngành marketing, nhưng cũng là thách thức lớn với đối tượng chưa kịp thích nghi.

Tiến sĩ Phan Thế Anh, Giám đốc chương trình marketing Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương), cho biết AI đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, nhưng nổi bật nhất có thể kể đến các ngành như: dịch vụ khách hàng, truyền thông, marketing...

"Chatbot AI (ứng dụng AI giúp giao tiếp với con người qua văn bản hoặc giọng nói để cung cấp thông tin và hỗ trợ - PV) đang cách mạng hóa dịch vụ khách hàng khi tự động xử lý yêu cầu 24/7, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao trải nghiệm người dùng. Trong truyền thông, AI hỗ trợ tạo, chỉnh sửa nội dung nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà sáng tạo. Các công cụ như GPT, Claude… cho phép sản xuất bài viết, video và hình ảnh một cách hiệu quả", tiến sĩ Thế Anh chia sẻ.

Theo tiến sĩ Thế Anh, trong 5 năm tới, AI sẽ tiếp tục thay thế các công việc có tính lặp lại cao và nhiệm vụ mang tính quy trình.

"Khi các công việc truyền thống dần bị tự động hóa, sẽ có một làn sóng tái đào tạo và nâng cao kỹ năng. Nhu cầu về nhân sự có kỹ năng công nghệ số sẽ ngày càng tăng. Việc đầu tư đào tạo lại người lao động để giúp họ thích nghi với các công việc mới, đòi hỏi hiểu biết về AI, dữ liệu lớn và các kỹ năng công nghệ trở nên cấp thiết", tiến sĩ Thế Anh nhận định.

Theo Nguyễn Điền (TNO)

Có thể bạn quan tâm