Thể thao

Thể thao cộng đồng

Cải cách bóng đá Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau trận thua đội Nhật Bản 0-1 ở lượt trận thứ 5 vòng loại thứ 3 World Cup 2022, HLV Park Hang-seo đã tỏ ra mệt mỏi khi cho rằng vòng đấu này là quá sức với tuyển Việt Nam.

Phải đầu tư từ bóng đá trẻ

Theo ông Park, dù vòng loại thứ 3 World Cup 2022 quá sức với ta nhưng cũng giúp bóng đá Việt Nam tích lũy được kinh nghiệm sau 5 trận thua. Bởi muốn bóng đá Việt Nam tiếp tục được góp mặt ở các vòng loại cuối cùng World Cup trong tương lai thì ngay lúc này, các cấp lãnh đạo và những người liên quan phải xây dựng phương án, đặt mục tiêu lâu dài, trong đó quan trọng nhất là cần phải đầu tư từ bóng đá trẻ. Chỉ khi nào có được một hệ thống đào tạo tốt từ tuyến trẻ thì mới có được sự phát triển bền vững. Ông Park Hang-seo khẳng định: “Tôi đã nói nhiều lần, bóng đá phải làm từ lứa trẻ”.
 

Dù không thua kém trong tranh chấp, nhưng trình độ tuyển Việt Nam (bìa trái) cũng không thể bật lên khi nhiều vị trí đã đụng trần. Ảnh: Độc Lập


Chia sẻ cùng Báo Thanh Niên, bạn đọc thịnhphan sau trận Việt Nam gặp Nhật Bản đã cho rằng về khách quan thì đội tuyển đến từ xứ sở mặt trời mọc chưa bung hết sức trừ khoảng 20 phút cuối trận. Điều này cho thấy sự chênh lệch về trình độ giữa hai đội vẫn còn rất lớn. Vì thế, để có được vị trí ở tốp đầu châu Á cần có thời gian và các bộ phận liên quan như công tác quản lý nhà nước về thể thao, VFF, VPF, các CLB, công tác đào tạo bóng đá trẻ... phải đặt mục tiêu vì sự tiến bộ của nền bóng đá nước nhà.

Còn bạn đọc tuan huynh lại có ý kiến rằng vấn đề thể lực, thể hình đến tư duy chơi bóng thể hiện qua các cú đá lên trời của Hoàng Đức, Tiến Linh, Hồng Duy trong trận gặp Nhật Bản đã nói lên tất cả. Quan trọng nhất vẫn là tư duy. Tuyển Việt Nam vẫn còn kém về tư duy chơi bóng. Thôi hy vọng vào thế hệ sau. Thế hệ này chỉ vậy là hết.

Rất nhiều người sau khi xem các lượt trận của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đều cho rằng lứa Công Phượng, Quang Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng đã “đụng trần” ở sân chơi cao nhất châu lục, và chỉ trông chờ và hy vọng ở các lứa sau. Thế nhưng khi nhìn lại sau lưng, có lẽ chúng ta cũng như những người làm bóng đá còn “hoảng” hơn nữa vì lứa kế cận mà mọi người mong chờ đó còn yếu hơn rất nhiều. Điển hình như đội U.23 Việt Nam vừa dự vòng loại U.23 châu Á vừa qua không có một cầu thủ ngôi sao hoặc nhân tố nào nổi trội. Ngoài yếu về chuyên môn, các cầu thủ này còn để lại nhiều hình ảnh không đẹp trên sân cỏ khiến người hâm mộ lắc đầu ngao ngán. Chẳng hạn như pha đánh nguội của Văn Đạt là không nên có với những cầu thủ ở cấp độ trẻ đang tích lũy cho mình trận mạc lên tuyển, nhưng đáng tiếc là họ lại sớm đánh mất chính mình.

Nhìn xuống các lứa U.19 và U.17 của bóng đá Việt Nam cũng chưa thấy hy vọng nhiều. Trong những năm qua các cầu thủ nổi bật ở 2 lứa tuổi này thể hiện qua các giải vô địch quốc gia U.17 hay U.19 rất ít, nếu không muốn nói là chưa cho thấy một lứa tài năng đồng đều như lứa 1995 - 1997. Ở cấp độ này chỉ vài cái tên có thể xem được như Đinh Xuân Tiến, Hồ Văn Cường (Sông Lam Nghệ An), Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Thái Quốc Cường (Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Đức Phú, Nguyễn Xuân Bắc (PVF)… Nhưng chừng đó là quá ít để kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà.

Bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi nhiều

Theo ông Park Hang-seo, trong thời gian 4 năm cầm quân tại Việt Nam, ông không thể tìm thêm tiền đạo xuất sắc nào để đưa lên tuyển. Sau Anh Đức, Tiến Linh và Đức Chinh là một khoảng trống mênh mông. Đơn giản bởi các đội bóng ở V-League đa số dùng tiền đạo ngoại và không tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ ở vị trí này. Hiếm hoi có vài đội như CLB Sài Gòn hoặc Bình Dương đã “dũng cảm” đưa các tiền đạo trẻ như Võ Nguyên Hoàng hay Nguyễn Trần Việt Cường vào thi đấu từ băng ghế dự bị, nhưng như thế là quá ít so với nhu cầu của các đội tuyển hiện nay. Mà một khi không có cơ hội cọ xát ở những giải đấu có đẳng cấp cao, các cầu thủ dù được đào tạo ở môi trường tốt và giỏi chuyên môn đến cỡ nào đi nữa cũng dễ dàng bị thui chột và lụi tàn.

Trong khi đó, muốn tiếp cận các đội hàng đầu châu Á thì các đội tuyển trẻ của bóng đá Việt Nam như U.17 hoặc U.19 phải tiếp cận, chơi ngang ngửa, sòng phẳng với những đối thủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út hay Úc chứ không thể cứ chơi theo chiến thuật “rình rập” chờ thời cơ để ăn may. Chỉ khi nào những lứa U này làm được như thế, thì lúc đó bóng đá Việt Nam mới có thể tính đến chuyện tranh vé dự World Cup ở cấp đội tuyển. Còn cứ như bây giờ thì phải chấp nhận một sự thật: Chỉ quanh quẩn bơi trong ao làng lấy thành tích.

Bóng đá Việt Nam còn quá nhiều điều cần phải thay đổi, chứ không phải chỉ ông Park thay đổi. Nếu không thay đổi thì cùng lắm chỉ top khu vực Đông Nam Á. Điều tối hệ trọng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa cầu thủ tập huấn, thi đấu giao lưu quốc tế, phát triển các giải đấu từ học đường đến xã hội.

 


Ý KIẾN


Phải quyết liệt làm trẻ thật tốt

HLV Vũ Tiến Thành cho rằng: “Những gì bóng đá Việt Nam thể hiện trước Nhật Bản cho thấy dù tỷ số tối thiểu nhưng đẳng cấp vẫn tối đa. Nghĩa là chúng ta chỉ có thể chơi tốt với chính mình, nhưng không thể san lấp được trình độ vẫn còn khá xa giữa hai đội. Muốn kéo gần thì bóng đá Việt Nam phải thay đổi toàn diện mà căn bản nhất phải làm trẻ thật tốt. Lứa tài năng mà chúng ta đang có là nhờ HAGL đi đầu sau đó Hà Nội, Viettel bám theo tạo nên cú hích mạnh mẽ trong 5 - 7 năm qua, nhưng bây giờ bóng đá trẻ nhìn đi nhìn lại không có sự cạnh tranh để tiến bộ như trước. PVF của chúng tôi sẽ thay đổi đầu tư theo chiều sâu, cố gắng cho ra lò những lứa tài năng mới, nhưng một mình PVF thì cũng không thể làm bật lên được bóng đá Việt Nam mà cần có sự phát triển đồng bộ. Muốn vậy thì VFF cần có định hướng và các nơi phải quyết liệt làm trẻ thật tốt. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hiện thực hóa giấc mơ World Cup chứ như hiện nay thì với khoảng cách đang có của lứa hiện tại và lứa U.23 chưa được chăm chút tốt, thực sự rất khó nghĩ cho việc giành vé vào World Cup trong tương lai gần”.

 

Bóng đá chỉ mạnh khi kinh tế mạnh

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận xét: “Nhìn bóng đá Nhật Bản rất chuyên nghiệp và thực dụng để thấy chúng ta còn thiếu rất nhiều yếu tố mới có thể tiến bộ. Ưu tiên hàng đầu để bóng đá Việt Nam thay đổi là phải làm trẻ thật tốt, chứ không thể hờ hững như vài năm qua. Nhưng muốn vậy thì đãi ngộ, dinh dưỡng và các chế độ khác dành cho bóng đá phải tốt lên chứ như hiện nay thì sẽ không bao giờ có được một nền bóng đá mạnh. Tôi còn nhớ năm 2014 khi đi World Cup, tôi có nói Việt Nam đang phấn đấu vào World Cup thì một chuyên gia người Đức hỏi thu nhập hiện tại của cầu thủ và những người làm bóng đá Việt Nam bao nhiêu, tôi nói là khoảng 3.000 USD/tháng thì họ lắc đầu ngay với số tiền đó thì đừng mơ World Cup. Điều đó có nghĩa bóng đá là bài toán kinh tế, bóng đá chỉ mạnh khi kinh tế mạnh. Muốn nâng tầm nền bóng đá thì những cái căn cơ phải thay đổi trước về bóng đá trẻ, về mặt bằng chung của xã hội, về thu nhập, còn không thì bóng đá Việt Nam sẽ cũng chỉ quanh quẩn Đông Nam Á mà thôi”.

 

T.K (ghi)

Theo Phương Quỳnh (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm