Kinh tế

Cải thiện đời sống người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân 14 thôn, làng trên địa bàn huyện Chư Pah giai đoạn 2010- 2015 có tổng kinh phí đầu tư là 3,867 tỷ đồng. Mục đích là hỗ trợ người dân nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển sản xuất, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo nhanh bền vững.

Căn cứ vào tình hình thực tế, trong 3 năm qua (2010-2013), Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah đã phân bổ hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn dự án phát triển sản xuất đầu tư hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất cho 339 hộ. Cụ thể: hỗ trợ 246.400 cây bời lời, 8.069 cây giống cà phê, 13.219 kg phân bón các loại, 88 con bò cái địa phương, 14 máy bơm nước, 45 máy cắt cỏ…

 

Đời sống của người dân làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng ngày càng được cải thiện. Ảnh: Q.T
Đời sống của người dân làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng ngày càng được cải thiện. Ảnh: Q.T

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn triển khai 25 lớp tập huấn khuyến nông cho các hộ dân nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân sử dụng các công cụ sản xuất, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đã cấp. Nhờ làm tốt công tác khảo sát địa bàn, chọn lựa nội dung thực hiện sát thực tế, đúng đối tượng thụ hưởng nên dự án bước đầu có tác dụng tích cực.

Ông Nê Y Kiên- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah cho biết: Dự án đã làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ cách làm của người dân. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện đáng kể; đặc biệt sau 3 năm thực hiện dự án đã có hơn 100 hộ thoát nghèo.

Ông Kpă Hon- làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng phấn khởi cho hay: Trước đây, kinh tế của gia đình khó khăn lắm, 6 miệng ăn của gia đình chủ yếu dựa vào tiền đi làm thuê. Từ ngày được chính quyền cho cây giống cà phê để trồng, máy bơm để tưới và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên vườn cà phê hơn 200 gốc của mình sinh trưởng và phát triển rất tốt, đã cho thu hoạch. Bây giờ cuộc sống của gia đình mình đã ổn định hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn. Bởi lẽ, đối tượng hỗ trợ là các hộ nghèo nên về nhận thức, trình độ sản xuất, điều kiện về đất đai còn gặp nhiều khó khăn vì vậy mà hiệu quả đầu tư có lúc, có nơi còn hạn chế.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của dự án, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của dự án, phổ biến cho nông dân hiểu rõ chế độ, chính sách được thụ hưởng. Cùng với đó, cần thực hiện kịp thời việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, các loại công cụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất, cũng như tăng cường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm