Pháp luật

Tin tức

Cầm đầu đường dây làm giả giấy tâm thần thoát tội vì bị... tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nguyễn Thị Mai Anh, kẻ cầm đầu đường dây, có vai trò chỉ đạo móc nối với các bị cáo trong vụ án làm giả nhiều loại giấy tờ tài liệu liên quan đến hồ sơ bệnh án tâm thần, được xác định là mắc bệnh... tâm thần.
 

Ngày 23.6, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Vi Thị Hiếu (35 tuổi, ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) 5 năm tù về tội 'làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức'.

Cùng tội danh, bị cáo Hoàng Văn Sứng (36 tuổi, ngụ H.Phù Cừ, Hưng Yên) lĩnh án 4 năm tù và Ngô Việt Dũng (26 tuổi, ngụ H.Thanh Ba, Phú Thọ) lĩnh án 24 tháng tù. Bị cáo Tăng Văn Tuấn (42 tuổi, ngụ Q.Đống Đa, Hà Nội) bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến tháng 6.2019, để giúp cho các phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm và Trại giam số 5 Bộ Công an, Nguyễn Thị Mai Anh (42 tuổi, ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã chỉ đạo các bị cáo Vi Thị Hiếu và Hoàng Văn Sứng làm giả một số giấy tờ, tài liệu theo phương pháp: sử dụng máy in màu, máy photocopy in, sao chụp dấu vào văn bản để làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước liên quan đến tình trạng sức khỏe của 2 bị án đang chờ xét xử phúc thẩm.

Các bị cáo này cũng làm giả các tài liệu khác như: giám định tâm thần, các kết luận giám định, biên bản giám định pháp y tâm thần, các công văn, giấy giới thiệu của các cơ quan nhà nước để lập ra các hồ sơ giám định pháp y tâm thần, ra quyết định chữa bệnh bắt buộc cho 7 phạm nhân khác. Đồng thời, làm giả các bản nhận xét của người nhà, hàng xóm của phạm nhân về sức khỏe tâm thần. Tổng cộng, Hiếu và Sứng đã làm giả 42 tài liệu liên quan việc giám định tâm thần của các cơ quan, tổ chức.
Cũng theo chỉ đạo của Nguyễn Thị Mai Anh, bị cáo Ngô Việt Dũng đã đi công chứng giấy tờ tùy thân, để giúp các bị cáo khác trong vụ án lấy mẫu dấu để làm giả. Bị cáo Dũng còn viết các giấy nhận xét với tư cách là hàng xóm của các trường hợp làm hồ sơ bệnh án tâm thần, đồng thời mang 4 tài liệu giả đi công chứng tại UBND P.Mỹ Đình (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Bị cáo Tăng Văn Tuấn có 3 lần nhận là cán bộ TAND tỉnh Thanh Hóa, đến Viện Pháp y tâm thần T.Ư để thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan bệnh án của phạm nhân, giúp các bị cáo Hiếu, Sứng làm giả. Tài liệu giả sau đó được chuyển tới TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam Thanh Lâm, Trại giam số 5 để TAND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chữa bệnh bắt buộc với nhiều phạm nhân đang thụ án tù.

Từ các tài liệu giả nêu trên, đã có 6 phạm nhân lợi dụng việc đi chữa bệnh để bỏ trốn, trong đó có 2 phạm nhân sau khi bỏ trốn lại tiếp tục phạm tội nghiêm trọng trở lên. Đến nay, còn 1 phạm nhân chưa bị bắt trở lại.

Đáng chú ý, Nguyễn Thị Mai Anh được xác định là kẻ cầm đầu đường dây, có vai trò chỉ đạo móc nối với các bị cáo trong vụ án làm giả nhiều loại giấy tờ tài liệu liên quan đến hồ sơ bệnh án tâm thần. Theo hồ sơ vụ án, Mai Anh từng bị nhiều cơ quan tố tụng khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng được xác định là mắc bệnh tâm thần.

Năm 2016, khi đi chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư, Mai Anh bỏ trốn rồi tổ chức đường dây làm giả tài liệu. Năm 2020, khi điều tra vụ án này, các cơ quan chức năng đã giám định và xác định Mai Anh bị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, có các triệu chứng loạn thần, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nên đã được cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra, để đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng cho rằng còn có trách nhiệm của một số cán bộ thuộc TAND tỉnh Thanh Hóa, Viện Pháp y tâm thần T.Ư và một số trại giam, nên đã tách vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo THÁI SƠN (TNO)

Có thể bạn quan tâm