(GLO)- Trong thời đại công nghệ bùng nổ, vấn đề an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang trở thành mặt trận “nóng”. Cuộc chiến chống loại tội phạm này vô cùng gian khó vì phương thức hoạt động mới, thủ đoạn tinh vi và biến đổi khôn lường. Dù vậy, các cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) vẫn luôn nỗ lực để đấu tranh ngăn chặn hoạt động của những tên tội phạm “tàng hình”.
Những chiến công thầm lặng
Trước yêu cầu từ thực tế, tháng 6-2021, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) chính thức được thành lập. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng lực lượng Công an ngày càng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đồng thời, đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng không gian mạng trong bối cảnh mới.
Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-cho biết: “Để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải thường xuyên tiến hành công việc thầm lặng, đấu trí với thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng. Chúng sử dụng nhiều phương thức tiêu hủy tài liệu, chứng cứ vi phạm. Trong các tình huống ấy, cán bộ, chiến sĩ phải có sự tỉnh táo, khả năng phân tích tình huống và phán đoán cực kỳ nhanh nhạy, chính xác. Từ đó mới có thể triển khai các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa đạt hiệu quả”.
Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trao quyết định điều động cán bộ, chiến sĩ về công tác tại Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Anh |
Dù mới được thành lập, nhưng thời gian qua, lực lượng an ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệt xóa thành công nhiều đường dây hoạt động phạm tội có quy mô lớn. Điển hình như vụ án bắt giữ nhóm đối tượng Nguyễn Đức Toàn (SN 1997), Lâm Thế Vương (SN 2001, cùng trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh), Lê Xuân Hùng (SN 1995, trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) và Luyện Minh Phước (SN 2001, trú tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 22-10-2021. Trong đó, Toàn được xác định là đối tượng cầm đầu. Để thực hiện hành vi, Toàn thuê Phước và Vương đóng vai khách đặt mua hàng của các cộng tác viên. Khi cộng tác viên đặt tiền cọc hoặc mua hàng qua trang fanpage “Dioes Luiz Sandri” để chuyển cho Phước và Vương thì 2 đối tượng cắt liên lạc. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của hàng trăm người đăng ký làm cộng tác viên bán hàng trên toàn quốc tại các trang fanpage “Dioes Luiz Sandri”, “Annaa Beauty”, “Jummy Beauty” do Toàn lập ra.
Tiếp đó, ngày 3-11, lực lượng an ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã triệt phá thành công và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hoàng (SN 1997, trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tửđđể thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 6 đến 10-2021, Hoàng lập trang Facebook giả mạo tên “Đại lý thép Steel” và lên mạng internet tải nhiều hình ảnh liên quan đến sắt, thép để đăng lên trang giả làm đại lý buôn bán với giá rẻ. Sau đó, Hoàng thuê một số đối tượng chạy quảng cáo để tiếp cận người mua. Khi khách hàng đồng ý mua, Hoàng yêu cầu đặt cọc 20% giá trị đơn hàng và gửi vào các tài khoản ngân hàng do Hoàng mua trên mạng xã hội. Với thủ đoạn này, Hoàng đã thực hiện trên 20 vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 170 triệu đồng của nhiều bị hại tại các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Khánh Hòa… Ngoài 2 vụ án trên, đơn vị đã điều tra làm rõ thêm 1 vụ, khởi tố 2 bị can về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từng trực tiếp tham gia triệt phá nhiều vụ án, Trung tá Đồng Duy Phòng-Trinh sát Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-chia sẻ: “Đấu tranh trên không gian mạng quan trọng nhất là phải thu thập được dấu vết, chứng cứ điện tử. Đây là cánh cửa để tìm vào hệ thống. Trinh sát phải hiểu được cách thức đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mới có thể thu thập được chứng cứ, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Trong thời đại công nghệ, phương thức và thủ đoạn phạm tội của đối tượng biến đổi khôn lường, ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào chỉ cần điện thoại hoặc máy tính có kết nối mạng internet. Để đấu tranh với loại tội phạm này, chúng tôi phải làm việc không ngừng nghỉ, có nhiều vụ án phải lần theo manh mối nhiều ngày đêm liền không có thời gian về thăm nhà. Tuy vất vả nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với mong muốn mang lại một không gian mạng lành mạnh, cuộc sống bình yên cho người dân”.
Giữ vững “vùng xanh” trên không gian mạng
Thượng tá Trần Trọng Sơn cho biết thêm: “Những ngày đầu thành lập, đơn vị chỉ vỏn vẹn 25 cán bộ, chiến sĩ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế. Tuy nhiên, với phương châm “Làm chủ kỹ thuật, tinh thông nghiệp vụ, xử lý chính xác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng”, đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động tìm tòi học hỏi để trang bị kiến thức về khoa học, công nghệ và kỹ thuật nghiệp vụ, từ đó tiếp cận, theo dõi, điều tra đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm sử dụng công nghệ cao, quyết tâm giữ vững “vùng xanh” trên không gian mạng nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Từ khi thành lập đến nay, những “chiến sĩ bàn phím” đã theo dõi, nắm tình hình hoạt động của hàng trăm hội/nhóm trên mạng xã hội có thành viên thuộc địa bàn tỉnh, trong đó, nhiều nhóm hoạt động phức tạp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, một số đối tượng tung tin thất thiệt, không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng-chống dịch của địa phương gây hoang mang dư luận. Theo đó, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 đối tượng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật với số tiền 80 triệu đồng. Gọi hỏi, đấu tranh, răn đe giáo dục 57 trường hợp có hành vi sử dụng không gian mạng phát tán tin xấu độc và sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.
Cũng trong thời gian qua, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo mật hộp thư điện tử công vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Qua đó, đơn vị đã phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ khắc phục lỗ hổng bảo mật đặc biệt nghiêm trọng của 3 hệ thống cổng thông tin điện tử và kiểm tra hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng.
LÊ ANH