Vận động tranh cử ở Campuchia. Ảnh: TTXVN |
Trong chỉ thị hướng dẫn ban hành ngày 16/5, Bộ Du lịch Campuchia yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, hộp đêm, quán nhậu... trong cả nước tạm dừng hoạt động trong hai ngày 22-23/7. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có thể cung cấp dịch vụ ăn uống nhưng phải dừng bán rượu bia.
Giám đốc Sở Du lịch thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước phổ biến, giáo dục, hướng dẫn giới chủ, người quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai thực hiện hướng dẫn trên với tinh thần trách nhiệm cao, nhằm góp phần ngăn chặn hành vi bạo lực, tai nạn giao thông và các sự cố có thể phát sinh, đảm bảo cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở nước này diễn ra tự do, nghiêm túc và công bằng...
Tính đến trung tuần tháng 5, đã có 18 chính đảng được Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) công nhận đủ điều kiện tham gia cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 tới. NEC cũng đã công nhận 15.169 quan sát viên trong nước và khách mời đặc biệt tham gia giám sát cuộc bầu cử; đồng thời cấp thẻ cho 190 phóng viên thuộc 30 cơ quan báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế đăng ký tham gia tác nghiệp, đưa tin.
Campuchia tổ chức tổng tuyển cử định kỳ 5 năm một lần. Cuộc bầu cử gần nhất diễn ra ngày 29/7/2018.
Trong một diễn biến khác do Khmer Times thông tin, phát biểu trước các sinh viên sáng 15/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẵn sàng chào đón các đảng viên đối lập gia nhập Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), cho rằng việc đó sẽ góp phần giúp phát triển đất nước. Ông đồng thời cảnh báo sẽ mạnh tay xử lý các hành động gây rối trong ngày bầu cử.
Cũng theo báo Khmer Times, trước thềm tổng tuyển cử, "nhiều trí thức đã rời đảng đối lập và gia nhập CPP" nhưng không nêu ra con số cụ thể.