Chính trị

Tin tức

Cán bộ chủ chốt toàn tỉnh nghe phổ biến thông tin thời sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều ngày 4-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt toàn tỉnh nghe phổ biến thông tin thời sự.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên phổ biến thông tin thời sự. Ảnh: T.N
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên phổ biến thông tin thời sự. Ảnh: T.N

Đầu cầu Hội nghị trực tuyến của tỉnh đặt tại Hội trường 19-5 TP. Pleiku, với sự tham gia  của các đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Hồ Văn Niên-Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng đại biểu là Bí Thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ, các sĩ quan cấp tướng nghỉ hưu đang sinh sống tại TP. Pleiku, các đồng chí Tỉnh ủy viên khoá XV và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XV, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, các ban Đảng Tỉnh ủy và các sở ngành, MTTQ và các đoàn thể tỉnh, lãnh đạo Trường và các khoa phòng của Trường Chính trị tỉnh, cùng đội ngũ cán bộ chủ chốt của TP. Pleiku. Tại 16 đầu cầu ở các huyện, thị xã có cấp ủy viên cấp huyện, bí thư các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, các đồng chí cán bộ trung cao đã nghỉ hưu đang sinh sống tại địa phương...

Hội nghị đã nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thông tin về chuyên đề “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Thời cơ và thách thức đối với nước ta”. Trong đó, đã tập trung về các nội dung trọng tâm như Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 - còn gọi là Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, đồng thời sẽ từng bước thay đổi hoàn toàn hệ thống, sản xuất và quản trị hiện nay. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao, trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot…

 

Cán bộ chủ chốt tỉnh dự hội nghị. Ảnh: T.N
Cán bộ chủ chốt tỉnh dự hội nghị. Ảnh: T.N

Đây là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam từ cuộc CMCN 4.0 là rất lớn, mà trước hết là nguy cơ tụt hậu. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh nghiên cứu những tác động đối với nước ta, những cơ hội, thời cơ, khó khăn, thách thức… Đồng thời, sớm có kế hoạch, chương trình hành động, có chính sách, đặc biệt là chính sách công nghiệp, chính sách đào tạo, xây dựng và phát triển các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, chính sách về khoa học-công nghệ và các chính sách khác nhằm chủ động, tích cực trong lộ trình Cuộc CMCN 4.0 để phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế…

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm