Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão: “Cán bộ không tự rèn luyện, nhắc nhở mình, thì sớm muộn cũng bị tha hóa, tham nhũng “trói buộc”.
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão: “Chưa kiểm soát được quyền lực do chưa có cơ chế đầy đủ” |
Có thể dễ dàng nhận thấy, từ sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, rồi khóa XII, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động đã có những biến chuyển tích cực. Chủ trương của người lãnh đạo cao nhất Đảng đề ra “không tắm từ vai trở xuống” thể hiện quyết tâm xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực bất kể ở cấp nào đã được lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, từ trung ương tới địa phương. Dư luận xã hội cảm nhận được những bước chuyển đó.
Những ngày đầu năm 2018, Ban Tổ chức Trung ương lần đầu tiên đưa ra lấy ý kiến Dự thảo về kiểm soát quyền lực và phòng chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ. Dư luận coi đây là cách làm rất mới để hướng tới xây dựng thể chế về kiểm soát quyền lực. Cách làm này hẳn sẽ thêm một minh chứng nữa thuyết phục dư luận tin rằng việc kiểm soát quyền lực không chỉ còn là lời hô hào.
Trước nguy cơ suy giảm lòng tin của người dân vào Đảng, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ do hậu quả của tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cao nhất của Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” quy chế. Tuyên bố của Tổng Bí thư được xem như hiệu lệnh để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Đồng tình với chủ trương, quyết tâm của Đảng, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh rằng “hiệu lệnh” của Tổng Bí thư phải được quán triệt nghiêm túc. Bởi lẽ, nguyên nhân khiến chúng ta chưa kiểm soát tốt được quyền lực là do chưa có được một cơ chế đầy đủ, chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng cá nhân có quyền lực và bắt buộc họ phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đó.
“Nói lãnh đạo nhưng quy định thế nào để nhân dân kiểm soát được quyền lực, giám sát được các cơ quan lãnh đạo thì lại chưa rõ nên dễ dẫn đến tùy tiện, cứ nghĩ việc đó mình được làm, nhưng thực tế lại vượt quá thẩm quyền. Không kiểm soát được quyền lực chính là do không kiểm soát được các tổ chức, cá nhân như thế”, ông Vũ Mão nêu quan điểm. Do đó, quy định của Đảng cũng cần theo hướng nói rõ hơn nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm.
Đặt nhiều kỳ vọng khi Dự thảo được thông qua và ban hành thành một quy chế, quy định của Đảng để có thể kiểm soát được quyền lực và “bịt” đường chạy chức, chạy quyền, ông Vũ Mão đề nghị việc lấy ý kiến phải được tổ chức rộng rãi thay vì chỉ tập trung vào một bộ phận, để dự thảo có thể bao quát được hết các khía cạnh. “Vì đây là nội dung mới nên cũng cần có cách làm mới để các nội dung dự thảo được hoàn thiện”, ông Vũ Mão nói.
Nêu thực tế thời gian qua, cán bộ hư hỏng, thoái hóa khá nhiều nhưng qua thanh tra, kiểm tra phát hiện được rất ít, bằng chứng là một số vụ vi phạm nghiêm trọng xảy ra cách đây nhiều năm, nhưng bây giờ mới có thể xử lý. Theo ông Vũ Mão, điều đó chứng tỏ vẫn còn hạn chế trong kiểm tra, giám sát, thanh tra. “Trả lời câu hỏi tại sao lại không phát hiện được, nguyên nhân do đâu, theo tôi là chưa thực sự dựa vào dân, chưa phát huy tốt dân chủ trong dân”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiến nghị phải đặc biệt coi trọng nội dung này khi xây dựng các quy định cụ thể về vai trò của tập thể, của người dân được quyền phát hiện ra sao, nêu vấn đề, thậm chí tố cáo như thế nào. Tương tự, phải có cơ chế tạo điều kiện cho báo chí phát hiện nhưng đi kèm với đó cũng phải quy định chặt chẽ để báo chí không thể đưa tin tùy tiện.
Cùng với việc kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, ông Vũ Mão nhấn mạnh cần chú trọng vấn đề giáo dục liêm chính trong cán bộ. Từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng. Là công bộc của dân thì không thể dùng quyền lực của mình để lợi dụng, khai thác vật chất. Mỗi cán bộ, đảng viên, thực chất là cán bộ có chức quyền phải luôn khiêm tốn và tâm niệm rằng làm để cống hiến, phục vụ nhân dân. Sự rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức quyền từ cấp Trung ương xuống tới địa phương có thể coi là yếu tố quan trọng nhất.
Liên hệ ngược về thời kỳ đất nước trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, ông Vũ Mão cho biết, khi đó, sự cống hiến bằng cả máu xương cho hòa bình của dân tộc của bao thế hệ cán bộ được nhìn thấy rất rõ. Cha ông đi hoạt động cách mạng không nghĩ đến riêng mình mà nghĩ đến cái chung, thậm chí hy sinh cả tính mạng.
Trong thời bình, trước những lợi ích, cám dỗ từ cơ chế thị trường, người ta làm mọi cách để có được chức vụ, có quyền lợi. Nếu cán bộ không tự rèn luyện, nhắc nhở mình, thì sớm muộn cũng bị tha hóa, tham nhũng “trói buộc”.
Thực tiễn ở nước ta, “chạy chức”, “chạy quyền”, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở các cấp, các ngành khiến nhân dân bức xúc. Yêu cầu đặt ra là phải chấm dứt tình trạng đó, Đảng có trách nhiệm chỉ đạo xử lý tình trạng này để lấy lại niềm tin của dân, thiết lập một xã hội ổn định, văn minh, mọi người cùng nhau đoàn kết, nhất trí xây dựng đất nước.
“Một xã hội mà nhìn thấy nhiều người tham nhũng, lợi dụng chức quyền để giàu lên không trong sáng, nhân dân bức xúc thì không thể đoàn kết được. Đoàn kết chỉ có thể có trên cơ sở các cá nhân cùng chung sức, chung lòng, cùng một ý chí. Cùng với đó là cơ chế, không thể tồn tại những kẽ hở mà người ta lợi dụng để vơ vét, làm nghèo đất nước” - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nói.
Hà Thanh (VOV)