Chính trị

Tin tức

Cán bộ lãnh đạo phải là người có uy tín cao trong Đảng, nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Quy định 214 về Khung tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã được ban hành. So với Quy định 90 trước đây, nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí được đặt cao hơn, rõ hơn. Trong 5 tiêu chuẩn chung của các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý, thì Quy định 214 nêu rõ hơn tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo phải là người có uy tín cao trong Đảng và nhân dân.

 
 PGS-TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: T.Vương
PGS-TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: T.Vương




Nâng cao vai trò của nhân dân

Trao đổi với PV Lao Động, PGS-TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết: Đảng ta ngày càng hoàn thiện những quy chế, quy định. Để từ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35.

Lần này, Quy định 214 chúng ta tiếp tục ban hành những quy định tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá các đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, kể cả tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá các chức danh là lãnh đạo chủ chốt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các chức danh khác.

Tiến tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để thực hiện những công việc liên quan tới vấn đề nhân sự, với tinh thần rà soát lại các quy định trước đây liên quan tới đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chúng ta thấy rằng thực tiễn cần phải bổ sung những cái mới trong quy định 214 này.

“Một trong những điểm mới trong Quy định 214 là nhấn mạnh tới vai trò của nhân dân. Đảng ta ra đời, nếu nói thật gọn là vì nước, vì dân, phục vụ nhân dân, không có lợi ích nào khác. Nên một trong những tiêu chí với đội ngũ cán bộ là phải có uy tín trong Đảng và nhân dân. Lần này chúng ta bổ sung thêm quy định này với những đối tượng áp dụng Quy định 214 phải có uy tín trong Đảng và nhân dân. Tôi cho điều này là rất đúng với nguyện vọng của nhân dân” - ông Thông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thông, một điểm mới nữa là trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch đang tấn công dữ dội vào nền tảng tư tưởng, tung đủ loại quan điểm sai trái để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì lần này phải nhấn mạnh đến bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái.

Điều chỉnh quy định bám sát thực tiễn

Nói về điểm mới trong công tác lựa chọn, đánh giá cán bộ của Quy định 214, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - cho rằng, “lâu nay nhiều người vẫn nói việc đánh giá cán bộ còn chung chung, thì quy định này đã cụ thể hoá và định lượng rõ ràng hơn”.

Tiêu chí đánh giá cũng nêu chi tiết về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, đây là văn bản làm cơ sở cho việc nhận xét, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử... trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Theo ông Hà, Quy định 214 đã sửa đổi một số tiêu chuẩn, tiêu chí. Đơn cử như quy định: Cán bộ được điều động, luân chuyển từ nơi khác đến, không nhất thiết phải đảm bảo tiêu chuẩn “đã kinh qua chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp”. “Trước đây quy định khi bổ nhiệm giữ chức vụ là lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới. Như vậy trước khi làm chủ chốt ở cấp tỉnh thì anh phải làm chủ chốt ở cấp huyện.

Trong thực tiễn, Trung ương điều động, luân chuyển nhiều đồng chí là Thứ trưởng ở các bộ về địa phương. Do vậy nếu cứ giữ những tiêu chuẩn cũ thì sẽ rất khó. Ví dụ trong thực tiễn đặt ra một vấn đề, Bộ Chính trị quyết định điều động, luân chuyển một đồng chí Thứ trưởng về làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh hay làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy thì đồng chí Thứ trưởng đó sẽ chưa thể qua được vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Do đó, Quy định 214 đã điều chỉnh lại sát với thực tiễn hơn” - ông Hà nhấn mạnh.

 

https://laodong.vn/thoi-su/can-bo-lanh-dao-phai-la-nguoi-co-uy-tin-cao-trong-dang-nhan-dan-786299.ldo

Theo VƯƠNG TRẦN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm