Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Cán bộ thuế tham gia đường dây mua bán hóa đơn khống hơn 4.300 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là cán bộ thuế Q.Tân Bình, TP.HCM, nhưng bị cáo Đỗ Thị Cát Trinh tham gia đường dây mua bán hóa đơn khống trị giá hơn 4.300 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 150 triệu đồng.

Sáng 4.7, trong ngày thứ 2 xét xử vụ án mua bán hóa đơn khống trị giá hơn 4.000 tỉ đồng, HĐXX của TAND TP.HCM tiếp tục xét hỏi lần lượt các bị cáo.

Trong đó, Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (chủ mưu) cùng Hoàng Ngọc Phượng Trân (43 tuổi, em ruột Trang) và Ngô Thị Bích Thủy (47 tuổi, kế toán) bị xét xử về tội “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn”; còn 36 bị cáo đồng phạm khác bị xét xử về tội “mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế”. Hầu hết các bị cáo đều đã nộp lại tiền để khắc phục hậu quả.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh MỸ DIỆP

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh MỸ DIỆP

Trong phần xét hỏi, bị cáo Đỗ Thị Cát Trinh khai nhận xuất 25 hóa đơn GTGT khống, với tổng giá trị trên hóa đơn trước thuế GTGT hơn 3 tỉ đồng, bán lại cho một doanh nghiệp với phí 5% để hưởng lợi, thu lợi bất chính số tiền hơn 150 triệu đồng. Đáng lưu ý, bị cáo Trinh nguyên là cán bộ thuế Q.Tân Bình, TP.HCM. Các bị cáo khác cũng thành khẩn khai báo tại phiên tòa.

Cáo trạng xác định, từ tháng 4.2017 đến tháng 3.2023, Mỹ Trang trực tiếp tổ chức, điều hành đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống cho nhiều cá nhân, pháp nhân cư trú hoặc có trụ sở tại nhiều tỉnh, thành để thu lợi bất chính. Bị cáo Trang đã bán hóa đơn cho hơn 3.000 doanh nghiệp ở 52 tỉnh, thành với trị giá hơn 4.300 tỉ đồng.

Để thực hiện hành vi, Mỹ Trang dùng CMND/CCCD của người quen hoặc mua tại các tiệm cầm đồ; mua lại pháp nhân không hoạt động (công ty "ma", pháp nhân ma). Kết quả điều tra xác định Mỹ Trang sử dụng 41 công ty "ma", gồm: 21 công ty mua lại, 20 công ty lập mới (10 công ty tại TP.HCM và 10 công ty tại Đồng Nai).

Bị cáo Mỹ Trang thừa nhận chỉ đạo Bích Thủy thành lập mới, thay đổi nhiều pháp nhân, công ty. Đồng thời, Trang yêu cầu Phượng Trân sử dụng các pháp nhân, công ty này xuất bán hàng chục nghìn hóa đơn GTGT khống cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, thông qua nhiều người môi giới (F1, F2).

Trả lời tại phiên xét xử, bị cáo Trang cho biết tìm "khách hàng", chào bán hóa đơn GTGT qua mạng xã hội Zalo, ghi khống nội dung (không thực hiện việc mua bán, giao nhận hàng hóa, dịch vụ), thỏa thuận mức giá bán hóa đơn GTGT từ 1,5% đến 2%/tổng trị giá ghi khống trên hóa đơn trước thuế GTGT. Với tỷ lệ này, bị cáo Trang thu lợi bất chính tương đương 60 - 80 tỉ đồng, bị cáo Trân 500 triệu đồng và bị cáo Thủy 589 triệu đồng.

Để hợp thức hóa việc mua bán hóa đơn GTGT, Mỹ Trang yêu cầu khách hàng lập hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Phượng Trân được Trang yêu cầu soạn thảo hợp đồng, xuất mẫu hóa đơn (hóa đơn nháp) để khách hàng xác nhận. Sau khi khách hàng xác nhận đồng ý với thỏa thuận giá thì tiến hành thực hiện việc thanh toán.

Tùy theo giá trị của hóa đơn mà Trang nêu rõ các hình thức, quy trình thanh toán khác nhau, chia thành hóa đơn dưới 20 triệu và 20 triệu trở lên.

Để tránh bị phát hiện, sau thời gian hoạt động khoảng 3 - 4 tháng kể từ khi pháp nhân "ma" được thành lập, bị cáo Trang sẽ thực hiện đóng mã số thuế, ngưng giao dịch, sử dụng pháp nhân "ma" mới nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế.

Khi đã mua hóa đơn GTGT từ Trang trót lọt, nhiều cá nhân, pháp nhân sử dụng, quyết toán, kê khai với các cơ quan thuế nhằm mục đích trốn thuế. Hành vi của các bị cáo trong vụ án đã gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước đặc biệt lớn.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 3.7 đến hết 8.7. Riêng với 10 công ty mà bị cáo Trang lập tại tỉnh Đồng Nai, cơ quan điều tra chuyển sang giai đoạn 2 để xử lý.

Có thể bạn quan tâm