Ý kiến cho rằng quan điểm về phát triển bền vững nếu không rõ ràng sẽ trở thành nút thắt rất lớn. Bởi mọi người đều đồng thuận phải phát triển bền vững, nhưng cụ thể ra sao thì không có tiêu chí, không có cơ sở...
Trong thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt những kết quả khả quan. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015 Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế, thì tới năm 2018 đã tăng lên 15,5 triệu lượt khách quốc tế.
Trong 9 tháng năm 2019 du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 10,8% (hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế và hơn 66 triệu lượt khách nội địa). Tổng thu từ du lịch phấn đấu năm 2019 ước đạt 700.000 tỷ đồng.
Dù vậy, tại hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” tổ chức ngày 28/10 tại TPHCM, các chuyên gia cho rằng, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Một số điểm đến du lịch mới vấp phải sự chỉ trích về môi trường; khách quốc tế đến nhiều nhưng chi tiêu thấp; chất lượng sản phẩm du lịch nhiều lúc chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, thiếu các địa điểm vui chơi giải trí, thiếu sản phẩm về đêm…
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát cho rằng, hiện nay, sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung từ 7-17h. Sản phẩm du lịch sau 18h vẫn chưa được quan tâm đúng mức và phát triển nhiều, dẫn đến không có nhiều điểm vui chơi, tiện tích, và điều đó khiến cho khách chỉ lưu trú trong thời gian ngắn ngày.
Theo các chuyên gia, cần có những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” phát triển các dịch vụ, khu vui chơi giải trí thu hút khách hàng, kết hợp với các chương trình, định hướng phát triển du lịch quốc gia, tạo ra sự phát triển đa dạng cho ngành du lịch.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, cơ sở hạ tầng phát triển tốt thì du lịch mới phát triển tốt được. Muốn đột phá du lịch phải có chính sách phù hợp, trong đó chúng ta phải phát triển bất động sản du lịch. Tuy nhiên, loại hình này cũng đang thể hiện sự lệch pha, “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”.
Theo ông Kỳ, bản thân ngành du lịch cần phải thay đổi tư duy, cách nhìn và tiếp cận từ 2 phía. Theo đó, doanh nghiệp du lịch phải có các đề xuất và những giải pháp lên các cơ quan chức năng để có những chính sách hỗ trợ. Đồng thời, Nhà nước phải có quy hoạch mới, kế hoạch phát triển cho du lịch, bởi hiện nay quy hoạch bị lạc hậu.
Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp để thu hút khách nhiều hơn.
Quan trọng hơn, theo các chuyên gia, phải xác định cách làm du lịch có đẳng cấp, tiêu chuẩn cao, chứ không chỉ chạy theo số lượng, khách năm nay phải tăng cao hơn năm trước. Du khách có thể đến ít nhưng chi tiêu nhiều. Muốn vậy dịch vụ phải tốt để kéo khách đến và chi tiêu nhiều hơn, tương xứng với tài nguyên du lịch đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc…
Chia sẻ về vấn đề phát triển du lịch, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, du lịch Việt Nam có đủ điều kiện, tiềm năng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phải trở thành mũi nhọn. Nhưng, một trong những điểm nghẽn hiện nay liên quan đến sự phát triển bền vững.
Quan điểm về phát triển bền vững nếu không rõ ràng sẽ trở thành nút thắt rất lớn. Bởi mọi người đều đồng thuận phải phát triển bền vững, nhưng cụ thể ra sao thì không có tiêu chí, không có cơ sở, nên chuyện tranh luận giữa bảo tồn tuyệt đối hay phát triển mà không quan tâm tới môi trường diễn ra căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch.
“Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành những bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững, chỉ tiêu để áp vào từng dự án du lịch xem có phù hợp hay không, từ đó ủng hộ hay không. Còn nếu tranh luận thì sẽ vô chừng và không rõ ràng”, ông Nam nói.
Lê Anh (Chinhphu.vn)