Để đạt được mục tiêu thu hút 17-20 triệu du khách quốc tế vào năm 2020, các rào cản của du lịch cần phải được dỡ bỏ, trong đó có chính sách visa.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng các nước trong khu vực đã sử dụng visa như một "vũ khí" để cạnh tranh du lịch, Việt Nam cũng cần xem đó là kinh nghiệm để nghiên cứu thêm.
Nút thắt lớn
Theo ông Bình, chính sách visa rất quan trọng, vì nó tạo thiện cảm đầu tiên cho du khách khi đến Việt Nam. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, phân tích khi khách có điều kiện về thời gian, cũng như kinh phí để đi du lịch, người ta sẽ cân nhắc chọn vài điểm đến như: có thuận lợi khi ra vào đất nước đó không, có an toàn không, sản phẩm dịch vụ du lịch ra sao… Tuy nhiên, điều đầu tiên mà du khách nghĩ tới chính là việc có dễ dàng vào du lịch không. Do đó, việc miễn visa cho nhiều nước càng tạo điều kiện cho du lịch phát triển làm lượng khách đến đông hơn. Với những quốc tịch chưa có điều kiện miễn visa, khách du lịch sẵn sàng làm thủ tục, chi trả chi phí nhưng phải làm thế nào nhanh nhất.
Thế nhưng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet, lại kể một câu chuyện trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế tư nhân cách đây không lâu, ông đã chứng kiến một cuộc "đấu khẩu" giữa ngành du lịch và công an xuất nhập cảnh về chính sách visa. Ngành du lịch một mực khẳng định visa là một điểm nghẽn thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Phía công an xuất nhập cảnh cũng rất cương quyết khi cho rằng có rất nhiều cách khác để thu hút du khách, không nhất thiết phải miễn visa vì như vậy sẽ mất nguồn thu từ phí visa.
Du khách nước ngoài tham quan TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh |
"Theo quan điểm của tôi, visa như tiền vé vào chợ, bây giờ chúng ta cứ muốn thu tiền vé vào chợ thay vì tìm cách thu hút khách vào chợ để bán được nhiều thứ. Du lịch có tính chất lan tỏa, khi có khách sẽ kéo theo nhiều thứ khác phát triển như mua sắm, dịch vụ. Các nước trong khu vực họ đã đi trước rồi. "Đối thủ" của chúng ta là Indonesia cách đây khoảng 3-4 năm có lượng khách tương tự Việt Nam khoảng 10 triệu khách quốc tế. Và họ đã coi tháo gỡ visa là một cách chủ đạo để hút khách du lịch. Thực tế là 3 năm qua, Indonesia đã miễn visa cho hơn 170 nước, kết quả là du lịch tăng trưởng 60%, 70%/năm" - ông Đạt cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Golden T Travel, cũng khẳng định visa đang chính là một trong những nút thắt của du lịch Việt Nam, cần được giải quyết càng sớm càng tốt.
Cởi mở nhưng chưa thông thoáng
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tien Phong Travel, cho hay các doanh nghiệp du lịch cũng như các công ty kinh doanh lữ hành đã nhiều lần đề xuất với Tổng cục Du lịch về việc miễn visa. "Chúng ta thấy một số nước như Singapore và Thái Lan hay một số nước trong khu vực đã miễn visa cho nhiều nước trên thế giới. Hiện Việt Nam đã miễn visa cho 24 nước nhưng thực tế, số các nước phát triển còn rất ít, đặc biệt khối thị trường châu Âu. Trong khi đó, lượng khách từ các nước phát triển đến Việt Nam ngày càng nhiều" - ông Khánh nói và đề xuất cần miễn giảm visa cho du khách đến từ các thị trường này, trong trường hợp nếu chưa thực hiện được cần phải có thủ tục thông thoáng hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhất trí với quan điểm làm du lịch là phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách. Thực tế, Việt Nam đã miễn thị thực cho 24 nước và danh sách này sẽ được kéo dài để thu hút thêm khách du lịch. "Bên cạnh việc miễn thị thực, chúng ta còn có dịch vụ e-visa (thị thực điện tử) để du khách có thể chủ động xin nhập cảnh nhanh chóng" - ông Đức nói.
Dù thừa nhận thủ tục cấp visa của Việt Nam đang dần cởi mở hơn nhưng ông Nguyễn Trung Thành vẫn đánh giá chính sách này chưa thật sự thông thoáng đúng nghĩa. Ông Thành ví dụ chính sách thị thực tại cửa khẩu của chúng ta rất khác với chế độ thị thực tại cửa khẩu của các nước khác. "Ở Việt Nam, khách phải gửi hồ sơ trước rồi mới được lấy thị thực tại cửa khẩu, còn ở các nước khác khách có thể làm trực tiếp visa tại cửa khẩu" - ông Thành dẫn chứng.
Ông Phùng Quang Thắng phân tích thêm yêu cầu về độ chắc chắn mà khách đặt ra khi đến một điểm đến là rất cao. Trường hợp khách bay thẳng đến Việt Nam, họ có thể lấy visa ở cửa khẩu nhưng nếu họ phải đi một số nước khác hoặc đi nối chuyến thì người ta sẽ cân nhắc điều đó. Đó là chưa nói rất nhiều hãng hàng không khi khách xuất trình visa mới được cho lên máy bay. Đó là một trong những thực tế xảy ra ở nhiều chuyến bay. "Vì thế, để khách được bảo đảm nhất nên để khách lấy visa tại cơ quan đại diện tại nước ngoài" - ông Thắng nêu ý kiến.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đề xuất thời gian tới một số thị trường có thể xem xét miễn visa du lịch như Úc, Canada… vì đây là những thị trường tiềm năng cần ưu tiên, cân nhắc.
Khách Việt đến Nhật Bản tăng kỷ lục Tại một hội thảo về xúc tiến du lịch chiều 20-8 do Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tổ chức ở TP HCM, ông Takahashi Ayumi, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam, cho biết người Việt đi du lịch Nhật Bản ngày càng nhiều và nằm trong nhóm khách mua sắm, chi tiêu cao. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2019, đã có hơn 250.000 khách Việt đi du lịch Nhật Bản, mức kỷ lục từ trước đến nay, trong khi con số này của cả năm 2018 là 390.000 lượt người. Dự kiến năm nay, sẽ có khoảng 500.000 lượt khách Việt đi du lịch ở Nhật. Tốc độ tăng trưởng lượng khách Việt bình quân tới Nhật từ 25%-30%/năm, thuộc nhóm các thị trường khách đến Nhật tăng mạnh nhất trên thế giới. Theo ông Takahashi Ayumi, các điểm đến ở Nhật ngày càng thu hút người Việt nhờ chính sách nới lỏng visa, sự tăng chuyến của ngành hàng không và việc hạ giá thành của các sản phẩm du lịch. So với trước đây, du lịch Nhật Bản đã trở nên quen thuộc với người Việt. Thời gian tới, JNTO cho biết sẽ triển khai thêm nhiều chính sách, phối hợp với các hãng lữ hành, công ty du lịch ở Việt Nam để có thêm nhiều tour mới, hấp dẫn nhằm thu hút thêm nhiều khách Việt tới Nhật Bản. T.Phương |
Yến Anh (NLĐO)