Giá điện đã chính thức tăng 8,36% kể từ ngày 20/3. Việc quản lý của ngành điện đang gây ra nhiều bất cập, thiếu công bằng, gây bức xúc xã hội.
Điện là ngành đầu vào của cả nền kinh tế nên tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất
(Trong ảnh: Sản xuất mái tôn tại Công ty Tiến Lợi, Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Trần Hải
Tăng giá điện: “Chúng tôi đang rối như tơ vò”!
"Theo thống kê, năm 2018 cả nước có 443 nghìn khách hàng kinh doanh. Hiện nay, khi điều chỉnh giá điện bình quân mỗi khách hàng trả thêm hơn 500 nghìn đồng/hộ. Khách hàng sản xuất là hơn 1,413 triệu hộ sản xuất, với mức tăng giá điện này chi bình quân là 12,39 triệu đồng/hộ/tháng tính theo số liệu 2018 và số tiền tăng thêm là 869.000 đồng/khách hàng sản xuất/tháng. Khách hàng dùng nhiều điện thì chúng tôi đã khảo sát 40 doanh nghiệp sắt, thép, xi măng, có giờ thấp điểm, cao điểm và áp dụng giá khác nhau. Nếu sản xuất hợp lý thì giảm tiền điện. Với khách hàng xi măng, có khách hàng tăng thêm 7,19% tức thêm 13 triệu đồng, có khách phải trả thêm 95 triệu đồng, tức tăng 8,4%. Chúng tôi cũng phân tích cơ cấu thì họ dùng nhiều điện vào giờ cao điểm và giờ bình thường, còn giờ thấp điểm họ dùng ít. Với ngành thép chúng tôi cũng thống kê 40 khách hàng thép tiêu biểu, thấp là tăng 6,73% tương đương với tăng 50 triệu đồng/tháng, cao tăng 8,28% (tương đương khoảng 61,5 triệu đồng/tháng).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương ”
|
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã than thở như vậy khi nói về giá điện. Ông Quyền cho biết, theo cơ cấu giá thành, chi phí nguyên liệu chiếm 35-38%, nhân công 20-22%, chi phí bán hàng 12-13%, chi phí sản xuất (gồm cả điện) 25%.
“4 chi phí đó đều liên quan đến điện. Chi phí sản xuất cũng điện, chi phí quảng cáo cũng điện. Gọi là tăng 8,36% nhưng cộng lại ở cả 4 khâu khá nhiều”, ông Quyền nói và cho biết lợi nhuận ngành gỗ chỉ từ 5-7%/năm. Với mức tăng giá điện cả trực tiếp, gián tiếp thì không còn lợi nhuận dù tổng giá trị hợp đồng của ngành này ký từ cuối quý IV năm ngoái và đầu năm nay đã lên tới 10,5 tỷ USD.
Không chỉ ông Quyền, nhiều doanh nghiệp đều lo ngại chi phí sản xuất tăng mạnh, sức cạnh tranh hàng Việt Nam sẽ giảm, nhất là trong bối cảnh giá xăng đang trong xu hướng tăng mạnh.
Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty CP DamSan cho biết: Là công ty dệt sợi lớn, tiền điện mỗi năm của DamSan khoảng 90 tỷ đồng. Nay với mức tăng giá điện 8,36%, ông Đông tính ngay được mỗi tháng công ty phải trả thêm khoảng 600 triệu đồng tiền điện. Cộng lũy kế cả năm số tiền tăng thêm 7,2 tỷ đồng.
“Chắc chắn ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, nhưng vì các doanh nghiệp ngành này chủ yếu xuất khẩu, giá đầu ra phải theo giá thị trường thế giới nên khó có thể đơn phương tăng giá”, ông Đông nêu.
Vị tổng giám đốc cũng cho rằng, Bộ Công thương có nêu lý do tăng giá để tương đương với các nước trong khu vực và thế giới, song phải tính tới mức thu nhập thực tế của người dân từng nước. “Giá điện của ta thấp hơn Trung Quốc nhưng cũng phải nhìn lại là không thấp hơn bao nhiêu, trong khi thu nhập thực tế bình quân của người dân Trung Quốc cao hơn nhiều, chưa nói tới các nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Đông nói và cho rằng, sau khi tăng giá điện, mỗi tháng công ty ông lỗ 3 tỷ đồng, còn lợi nhuận của năm chưa biết.
Ngành điện cải thiện năng suất 2%, giá điện có thể giảm 2%
“ Nói bất công khi giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt nghe chừng có vẻ đúng nhưng chính sách giá là mang tính cả xã hội và kỹ thuật, kinh tế nữa. Các nhà sản xuất mua nhiều nên tổn thất điện năng thấp, còn điện sinh hoạt dùng 220v tổn thất biến áp lớn, rồi còn chi phí đường dây. Chúng tôi cũng kêu gọi hộ sử dụng nhiều điện phối hợp với EVN trong thời gian công suất quá tải, giảm bớt nhu cầu không cần thiết để đảm bảo an ninh hệ thống.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ”
|
Nói về mức điều chỉnh tăng giá điện bình quân 8,36% từ 20/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết: Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm nói chung và điều chỉnh giá điện năm 2019 nói riêng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, sau khi có kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2017, Bộ Công thương ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, đồng thời chỉ đạo EVN xây dựng các phương án giá điện năm 2019.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân trước khi tăng là 1.720,65 đồng/kWh, nay lên 1.864,44 đồng/kWh. Trên cơ sở này, giá bán lẻ điện cụ thể cho từng lĩnh vực sẽ được tính theo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, giá bán lẻ điện cho nhóm sản xuất được tính bằng 54-167% giá bán lẻ điện trung bình, cho nhóm sinh hoạt từ 92-159% giá bán lẻ trung bình.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, việc điều chỉnh giá không chỉ phụ thuộc vào mức tăng giá chung (tăng giá đầu vào - PV), mà còn phải trừ đi mức tăng năng suất trong ngành. Do đó, nếu chỉ lấy lý do giá đầu vào tăng mà đòi tăng giá thì vô hình chung doanh nghiệp đã giữ lại toàn bộ phần lợi nhuận có từ việc cải thiện năng suất cho riêng mình mà không san sẻ cho người tiêu dùng.
VEPR trong một nghiên cứu cũng tính toán, ngành điện chỉ cần cải thiện mức năng suất 2%/năm thì không những không cần tăng giá mà có thể hạ giá điện xuống 2%. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, đối với lĩnh vực điện do tính độc quyền cao nên hầu như không có cơ chế điều chỉnh giá theo năng suất. Và do có vị thế độc quyền nên ngành điện có cơ sở điều chỉnh giá điện theo hai hướng là giữ hoặc tăng giá. “Nếu ngành này được cải tổ theo hướng tăng tính cạnh tranh, giá sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Đó là quy luật của thị trường”, ông Thành phân tích từ ví dụ của các ngành như điện tử, viễn thông càng tăng trưởng mạnh thì giá thành sản phẩm càng giảm.
Thép, xi măng… hưởng lợi, hậu quả xã hội gánh
Luyện thép và xi măng là những lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện năng
(Trong ảnh: Một lò sản xuất thép tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát). Ảnh: Thanh Thủy
Về nguyên lý thị trường, nếu càng tiêu dùng nhiều thì giá sẽ giảm. Nhưng điều này chỉ nên áp dụng đối với những nhóm hàng khuyến khích tiêu dùng. Còn với những mặt hàng không khuyến khích tiêu thụ như mặt hàng gây tác động nhiều tới môi trường thì lại phải có chính sách hạn chế.
Ở nước ta, sản xuất điện chủ yếu vẫn dựa vào thủy điện và nhiệt điện. Tuy nhiên, điện là ngành đầu vào của cả nền kinh tế do đó một số chuyên gia cho rằng, không khuyến khích hoặc phải tính với mức giá cao hơn đối với những hộ tiêu dùng điện nhiều như luyện thép hay xi măng bởi bản thân những ngành này đã tác động tiêu cực trực tiếp đến môi trường. Khi sử dụng quá nhiều điện lại thêm một tầng tác động gián tiếp nữa tới môi trường.
Xem xét biểu giá điện bậc thang, khung giá điện sản xuất rộng hơn điện cho hộ gia đình, mức sàn giá điện sản xuất cũng thấp hơn nhiều mà mức trần lại không cao hơn bao nhiêu. PGS. TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) phân tích: Từ trước tới nay giá điện cho lĩnh vực sản xuất của nước ta thấp nên nguồn vốn thường có xu hướng đầu tư vào những ngành tiêu tốn điện năng. Doanh nghiệp cũng sẽ có xu hướng sử dụng công nghệ cũ giá rẻ nhưng tiêu tốn nhiều điện năng như tình trạng đang diễn ra đối với luyện thép và xi măng. Những ngành này tiêu dùng nhiều điện giá rẻ khiến ngành điện lỗ ở mảng chính (sản xuất điện). Khi EVN lỗ, giá điện sẽ tăng. Và việc tăng giá được thực hiện đồng đều cho tất cả các đối tượng. Điều này dẫn tới tình trạng, các doanh nghiệp dùng nhiều điện như thép, xi măng nhờ giá điện rẻ mà lãi lớn nhưng hưởng lợi một mình. Còn hậu quả để lại là khiến ngành điện lỗ lớn thì khoản lỗ này cả xã hội phải gánh.
Vì thế, theo ông Phạm Thế Anh, Chính phủ cần có chính sách chuyển hướng sang sử dụng năng lượng sạch nhiều hơn và tính toán lại giá điện với các hộ tiêu dùng nhiều điện. Bởi nếu giá điện tăng cao, họ sẽ phải đầu tư vào công nghệ mới tiết kiệm năng lượng. Dòng vốn đầu tư cũng theo đó sẽ hướng vào những ngành sử dụng ít năng lượng hơn.
Cao Sơn (Giao Thông)