Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Trái tim thời chống Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Căn cứ địa cách mạng Khu 10 (nay là địa bàn xã Krong, huyện Kbang) hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, được tỉnh chọn làm “An toàn khu” trong suốt 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975). Mặc dù quân thù huy động nhiều phương tiện, lực lượng và dùng mọi cách để đánh phá nhưng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 luôn đứng vững, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh Gia Lai.

Địa bàn xây dựng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 vốn là căn cứ địa liên hoàn của 3 huyện Đông Bắc Gia Lai từ thời kháng chiến chống Pháp. Căn cứ liên hoàn này gồm 3 xã: Lơpà (huyện Pleikon), Hơnơng (huyện Nam Kon Plông), Bơnâm và một phần xã Nam (huyện An Khê). Địa hình núi cao, rừng rậm, sông suối chia cắt; ba mặt Đông, Tây và Bắc dựa vào thế núi; mặt phía Nam tiếp giáp vùng trũng An Khê, tiến có thể đánh địch, lui có thể đứng chân yên ổn dưỡng quân, luyện quân. Nơi đây có khí hậu nhiệt đới ẩm mát, cư dân hầu hết là đồng bào Bahnar với bản tính chịu thương, chịu khó, cần cù lao động, sống thủy chung một lòng theo Đảng, Bác Hồ.

 Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từng gắn bó với Căn cứ địa cách mạng Khu 10 về thăm lại chiến trường xưa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Nguyễn
Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từng gắn bó với Căn cứ địa cách mạng Khu 10 về thăm lại chiến trường xưa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Nguyễn


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân nơi đây đều bất hợp tác với giặc, nhiều làng đến trước năm 1945 vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát của địch. Vùng này trở thành hành lang giao liên, hành lang tiếp tế, tiến quân của các đội vũ trang tuyên truyền, các đội vũ trang từ đồng bằng tiến lên vùng Bắc Pleiku và Tây Bắc đường 14, mở rộng cơ sở. Những năm 1950-1954, nơi đây là địa bàn đứng chân của các đơn vị quân chủ lực để tiến đánh địch trong các chiến dịch An Khê và Nam Bắc đường 19.

Sau khi ký kết Hiệp định đình chiến Genève, trong lúc còn bận rộn việc chuyển quân tập kết, lo bố trí cán bộ ở lại miền Nam công tác, Tỉnh ủy đã đặt ngay vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tỉnh ủy đã phân công 2 đồng chí là Nguyễn Thanh Bình và Trịnh Văn Cư cùng một số cán bộ địa phương về lại căn cứ cũ 3 huyện để xây dựng cơ sở chính trị bí mật, chuẩn bị hậu cần lâu dài, tổ chức giao liên nối cơ quan lãnh đạo của tỉnh với các huyện và thông suốt với trung ương.

Ngày 20-4-1955, cơ quan Tỉnh ủy chuyển từ huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) lên phía Nam, tạm đứng chân tại làng Đê Mông, sau chuyển về Đê Bam, xã Đê Sơró (nay là huyện Kông Chro). Đến cuối năm 1955, chuyển lên phía Bắc đóng tại làng Klêch (xã Bơnâm), nằm trong khu căn cứ 3 xã: Lơpà, Hơnơng và Bơnâm. Từ năm 1956 về sau, cơ quan Tỉnh ủy luôn di chuyển quanh các làng có cơ sở thật vững chắc để đảm bảo an toàn và phù hợp cho sự chỉ đạo trong từng thời điểm. Ngày 28-2-1962, Khu căn cứ tỉnh chính thức được thành lập, có Ban chỉ đạo xây dựng căn cứ trong phạm vi 26 làng của 3 xã nói trên. Đầu năm 1964, Khu căn cứ tỉnh đổi tên là Khu 10, có Ban cán sự Đảng khu lãnh đạo.

Lúc đầu, cơ quan Tỉnh ủy chỉ 8-10 người. Sau đó, phong trào phát triển, nhất là khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (1960), tiếp đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập thì các ban, ngành của tỉnh cũng hình thành. Ngoài các cơ quan chủ chốt như: Tỉnh ủy, chính quyền giải phóng, Mặt trận, Ban quân sự thì còn có các ban chuyên môn: Kinh tế-Tài chính, Văn hóa, Giáo dục, Y tế... Trong khó khăn gian khổ, đối phó với biện pháp chiến tranh hủy diệt của địch, cán bộ của cơ quan đã cùng quân và dân đoàn kết, gắn bó để tồn tại, vừa sản xuất vừa chiến đấu chống giặc, giữ vững căn cứ.

Trung tâm căn cứ địa cách mạng Khu 10 đất không rộng, dân không đông, mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng đã để lại nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu như: 5 lần tổ chức đại hội Đảng bộ tỉnh; 3 lần đại hội thành lập các tổ chức: Mặt trận dân tộc tự trị Tây Nguyên do Khu ủy Khu V tổ chức (năm 1960), Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh (năm 1961), bầu cử HĐND cách mạng và UBND cách mạng các cấp (năm 1968); 3 lần đón tiếp đoàn khách quốc tế; tổ chức lễ tang Bác Hồ (năm 1969) và lễ tang Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (Đẳng).

Không chỉ là căn cứ cách mạng của tỉnh, Khu 10 còn là nơi che chở một số cơ quan của Liên khu V, các tỉnh bạn trong những lần địch càn quét, đánh phá ở đồng bằng. Đặc biệt, Khu 10 còn là địa bàn đứng chân của các trạm giao liên-một mắt xích quan trọng của tuyến hành lang Trung ương Bắc-Nam và đường hành lang Đông-Tây song song với quốc lộ 19.

Mặc dù phải hứng chịu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, song dưới sự che chở, đùm bọc của núi rừng và đồng bào nơi đây, Căn cứ địa cách mạng Khu 10 luôn đứng vững, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh hoạt động và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 17-3-1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 17-3-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Khu di tích được thiết kế theo kiểu mô phỏng các công trình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm: lán Bí thư, lán Phó Bí thư, lán Cơ yếu, lán Văn phòng, hầm chữ A, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, nhà tưởng niệm, nhà bia ghi sự kiện; đồng thời, khôi phục rừng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái trong khu di tích. Ngày 19-5-2018, Khu di tích lịch sử căn cứ địa cách mạng Khu 10 được khánh thành. Đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ hiện nay luôn ghi nhớ công lao, sự cống hiến, hy sinh quên mình của thế hệ cha anh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.

 

TỐNG THỚI MỐC