Xã hội

Cần điều chỉnh hành vi, kiểm soát tốt dịch sống chung an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý thuốc và vaccine vẫn tiếp tục là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, chỉ khi miễn dịch cộng đồng đạt trên 70% mới giảm nguy cơ lây nhiễm.
 

 Quét mã QR-code khai báo y tế dù đến bất cứ địa điểm nào là rất cần thiết trong công tác truy vết về sau. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Quét mã QR-code khai báo y tế dù đến bất cứ địa điểm nào là rất cần thiết trong công tác truy vết về sau. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 11/9/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi làm việc để trao đổi, thảo luận, đánh giá những tác động của COVID-19 đến sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như đóng góp của ngành khoa học và công nghệ trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng, chống và khắc phục khó khăn trong trạng thái bình thường mới.

Nhiều thành tựu trong phòng, chống dịch

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội các quốc gia trong đó có Việt Nam, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, ngành khoa học và công nghệ đã chủ động, sáng tạo, phát huy trí tuệ... triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là kết quả nghiên cứu sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Thông qua đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và virus học, Việt Nam đã nuôi cấy thành công SARS-CoV-2 và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy thành công SARS-CoV-2, đây là kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất bộ KIT chẩn đoán, sản xuất vaccine và nghiên cứu sâu hơn về virus.

Cũng trong giai đoạn đầu dịch xảy ra, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công các bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu trong nước, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tiêu biểu là Bộ sinh phẩm realtime RT-PCR do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất thành công, đạt tiêu chuẩn quốc tế phát hiện SARS-CoV-2, được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng ngay từ đợt dịch đầu tiên bùng phát ở Việt Nam ngày 7/3/2020; Bộ sinh phẩm reatime RT-LAMP do Công ty cổ phần Sao Thái Dương nghiên cứu sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tháng 5/2021; Hệ thống phát hiện nhanh SARS-CoV-2 do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sinh Hóa Phù Sa nghiên cứu sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tháng 7/2021; Test nhanh kháng nguyên do Công ty Medicon nghiên cứu sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng vào ngày 18/3/2021.

 Hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 cũng được tiến hành rất sớm, đến nay, vaccine Nano Covax đã được đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 và đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp; vaccine Covivax đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 bằng công nghệ mRNA, vaccine ARCT-154 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3b và dự kiến sẽ xin cấp phép khẩn cấp vào tháng 12/2021 và VinBioCare cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất vaccine ARCT-154 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Kế thừa kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu, một số loại thuốc điều trị COVID-19 cũng đã được nghiên cứu sản xuất như thuốc PegLambda (là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia năm 2015 đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên bệnh nhân COVID-19; Thuốc kháng thể đơn dòng kháng SARS-CoV-2 đã được sản xuất thành công. Ngoài ra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 được bào chế từ thảo dược (thuốc VIPDERVIR)...

Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn được thực hiện, tập trung vào một số nội dung như làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế-xã hội; Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong ứng phó với dịch và bài học cho Việt Nam; Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam...

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan vận hành Hệ tri thức Việt số hóa và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài công tác hỗ trợ truy vết, dự báo, đánh giá, khoanh vùng dịch, Tổ còn nghiên cứu các xu thế và giải pháp phòng dịch của thế giới, đề xuất triển khai, tham gia thiết kế các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phòng chống dịch như: khai báo y tế, quét mã QR di chuyển, công cụ trực tuyến quản lý mã ca bệnh, vòng tay quản lý cách ly, hệ thống giám sát an toàn COVID-19, xây dựng công cụ lưu trữ dữ liệu F0, dữ liệu dịch tễ...

Tiếp tục giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp cũng như sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như các đơn vị liên quan ngay từ những ngày đầu, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; khẳng định đóng góp của ngành khoa học công nghệ thời gian qua rất quan trọng trong công cuộc phòng, chống dịch.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Tuy nhiên, qua quá trình triển khai cũng có những điều làm chưa đúng kể cả về mặt chủ trương chính sách, bởi đâu đó vẫn còn những chủ quan, lơ là... Vì vậy, thông qua kinh nghiệm "xương máu" và thực tế thời gian qua, từ nay đến cuối năm 2021, sau khi Nghị quyết Chính phủ số 107/NQ-CP ngày 11/9/2021 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 được ban hành, cả nước bước vào "giai đoạn bình thường mới" - cả nước cần điều chỉnh hành vi, kiểm soát tốt dịch để sống chung an toàn.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, thuốc và vaccine vẫn phải tiếp tục và là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, chỉ khi miễn dịch cộng đồng đạt trên 70% mới giảm nguy cơ lây nhiễm.

Phó Thủ tướng nêu thực tế người dân tại các tỉnh phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đã nhiễm và được tiêm nhưng vẫn có thể mang virus và có thể lây cho người khác vì vậy các địa phương cần nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các nhà khoa học, các chuyên gia cũng nêu ra nhiều giải pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, đặc biệt, phòng, chống dịch phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế gắn với phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó phải chú trọng và gắn với thu nhập của người dân.

Việc quản trị nguồn nhân lực, chính sách lao động việc làm có vai trò quan trọng, tránh để đứt gãy chuỗi cung ứng như thời gian qua. Hiện, liên quan đến chính sách đối với người lao động, kết nối các địa phương khi người dân trở về quê thì cũng cần tính đến sau dịch người dân trở lại sẽ thế nào ... Các nhà khoa học cũng đề xuất các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều trị bệnh nhân tại nhà; đánh giá hiện trạng máy móc, trang thiết bị trong điều trị COVID-19 vẫn còn khó khăn cần đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở trong công tác phòng, chống dịch.

Ngoài ra, đại diện một số đơn vị cũng đề xuất giải pháp, cơ chế để huy động các tổ chức khám chữa bệnh tư nhân tham gia công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Các giải pháp cũng lưu ý đến việc cần sự vào cuộc của các nhà khoa học cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng bộ dùng tiêu chí theo thang điểm chung để đánh giá mức độ bệnh nhân, giải pháp phòng, chống dịch.

Ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các đơn vị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết mặc dù tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngày càng tăng, nhưng virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi tạo ra các chủng mới có nguy cơ kháng lại vaccine, vì vậy nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát còn rất cao.

Trong giai đoạn tới, ngành khoa học và công nghệ sẽ tập trung nghiên cứu sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19; triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030,” với mục tiêu làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine, trong đó có vaccine phòng COVID-19; nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm mới như xét nghiệm SARS-CoV-2 với mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở chứ không phải "ngoáy mũi" như hiện nay; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sản xuất máy thở HFNC; hệ thống làm giàu oxy và khí nén sử dụng trong y tế di động; nghiên cứu về mô hình triển khai các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, định hướng phát triển các công nghệ hỗ trợ.

Theo HL (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm