(GLO)- Cả nước hiện có 622.100 ha cà phê, phần lớn tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, đáng lo ngại là có đến 30% trong số này đã già cỗi, năng suất, chất lượng thấp cần phải thay thế trong vòng 5 đến 10 năm tới. Cụ thể, nhu cầu tái canh đến năm 2020 là 200.000 ha; trong đó, Gia Lai 27.300 ha. Năm 2013, Gia Lai thực hiện tái canh được 2.100 ha…
Ảnh: Huy Tịnh |
Có một thực tế, nhiều năm qua sản xuất cà phê không có lãi nhiều khiến người trồng không tích lũy được vốn nên việc tái canh cà phê gặp rất nhiều khó khăn. Ông Vũ Xuân Thắng (thôn 3, xã Ia Sao huyện Ia Grai), than phiền: Vườn cà phê hơn 1,2 ha của gia đình tôi đã cỗi cần tái canh nhưng không có vốn. Những nông dân sản xuất quy mô nhỏ như gia đình tôi thì không có vốn để tái canh do giá cà phê nhiều năm nay khá bấp bênh. Không chỉ những hộ trồng cà phê mà các công ty nhà nước cũng đang loay hoay tìm nguồn vốn để đầu tư tái canh diện tích cà phê già cỗi. Ông Nguyễn Đại Ngọc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai cho rằng: Tái canh diện tích cà phê già cỗi của Công ty đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm hầu hết các ngân hàng đều thắt chặt tín dụng. Do vậy, đơn vị mới chỉ tái canh được hơn 100 ha trong tổng số gần 300 ha cà phê già cỗi.
Việc tái canh cây cà phê luôn gặp khó khăn về vốn đầu tư, còn đốn bỏ cà phê để trồng lại sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nông dân. Theo tính toán của nông dân trồng cà phê, với chi phí tái canh bao gồm giống, phân bón, kỹ thuật chuyển giao công nghệ… cho 1 ha cà phê từ 100 triệu đồng đến 160 triệu đồng. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có qua nhiều năm tích góp của các hộ và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013, ngành ngân hàng cam kết dành riêng cho vay để tái canh cây cà phê của các tỉnh Tây Nguyên là 12 ngàn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường 2%/năm. Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số địa phương, nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà với việc vay vốn vì cho rằng lãi suất cho vay trên 10%/năm vẫn còn cao. Tái canh cây cà phê mất nhiều thời gian như vậy thì cần phải thực hiện gối đầu.
Trên thực tế, không ít nông dân đã thành công trong phương pháp tái canh cây cà phê. Tuy nhiên, để việc tái canh cà phê đạt hiệu quả, nông dân không chỉ cần vốn mà còn liên quan đến chính sách của các bộ, ngành khác. Một thực tế hiện nay là giá cà phê trên thị trường bấp bênh cũng đang đè nặng tâm lý khiến không ít người trồng cà phê đành chấp nhận kéo dài thời gian vườn cà phê già cỗi kém năng suất… Để tạo điều kiện cho người trồng cà phê bán được giá ổn định, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp thiết thực hỗ trợ nông dân, trong đó cần thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ cà phê khi vào vụ thu hoạch, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng trong trường hợp giá mặt hàng nông sản này giảm thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng hạ lãi suất cho vay tái canh cà phê xuống mức khoảng 5%-6%/năm. Cùng với việc hạ lãi suất, thủ tục vay vốn cũng cần đơn giản hơn để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn trước tình hình thực tế này.
Anh Khoa