(GLO)- Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Gia Lai đang hướng đến mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch cho người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh thông qua việc đầu tư máy sơ chế, sân phơi, lò sấy…
Vụ thu hoạch cà phê 2017 hiện đã bước vào giai đoạn cuối. Ngoài một số nông dân bán cà phê tươi cho các doanh nghiệp có nhà máy sấy với giá thấp, đa số các hộ còn lại đang tập trung xử lý sản phẩm sau thu hoạch bằng cách phơi khô nhân đã tách vỏ hoặc phơi cả vỏ. Cà phê sau khi xử lý có thể được bán ngay hoặc trữ lại chờ giá tăng mới bán.
Phơi cà phê trên sân bê tông. Ảnh: N.D |
Quy trình sơ chế, bảo quản quyết định rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng cà phê và giảm tổn thất sau thu hoạch. Trong đó, các điều kiện vật chất như máy sơ chế, sân phơi, nhà kho bảo quản… đóng vai trò quan trọng nhưng đây đang là bài toán nan giải của nhiều nông dân tại các vùng có diện tích cà phê lớn như: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông...Bởi lẽ, hiện nay, hầu hết người trồng cà phê còn thiếu sân phơi, nhà kho. Khi thu hoạch xong, họ thường phơi cà phê trên sân đất hoặc trên bạt, hộ khá hơn thì phơi trên sân bê tông nhưng con số này không đáng kể.
Ông Lê Hoàng Dũng (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho biết: Phơi cà phê trên sân đất gây thiệt hại cho bà con nông dân rất nhiều. Nếu đang phơi gặp mưa hoặc cà phê vừa thu hoạch xong có mưa kéo dài sẽ làm nhân đen, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Biết là vậy song giá máy sấy cà phê hiện nay khá đắt, nếu mua tại xưởng khoảng 70 triệu đồng/máy. Nếu cá nhân mua máy sấy thì hơi lãng phí vì đến vụ thu hoạch mới sử dụng, sau đó lại cất đi chờ vụ tới.
Theo ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông): Hiện nay, mặc dù nông dân đã được VnSAT Gia Lai trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch nhưng rất ít hộ trồng cà phê thực hiện tốt vấn đề này vì nguồn vốn đầu tư khó khăn. Giải pháp của một số ít hộ là chung vốn mua máy sấy; những hộ không có sân phơi hoặc hệ thống sấy thường bán cà phê tươi cho các chủ đại lý thu mua có điều kiện phơi sấy.
Cùng chung nhận định này, ông Tống Văn Dũng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ia Kly (huyện Chư Prông) cho biết thêm: Hợp tác xã có 250 ha cà phê cùng nhiều diện tích hồ tiêu, cây ăn trái của các thành viên. Riêng với sản phẩm cà phê, phần lớn nông dân bán tươi hoặc phơi khô rồi xay xát ra nhân để bán. Đặc biệt, hầu hết các hộ chưa có công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch nên chịu thiệt hại rất lớn. Để giúp các thành viên tiếp cận với việc bảo quản sản phẩm cà phê sau thu hoạch, Hợp tác xã đang đề xuất VnSAT Gia Lai đầu tư xây dựng sân phơi, nhà kho, máy sấy, máy bóc tách hạt... Có như vậy mới nâng cao năng suất và chất lượng cà phê.
Ông Nguyễn Xuân Vỵ-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Gia Lai: Với diện tích cà phê trên 93.000 ha nhưng công nghệ bảo quản sau thu hoạch hạn chế dẫn đến nhiều thiệt hại cho nông dân. Vì vậy, dự án dự định hỗ trợ một phần máy móc thiết bị cho các tổ chức nông dân tại 26 xã ở 3 huyện được hưởng lợi để nông dân áp dụng công nghệ bảo quản cà phê sau thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hạt cà phê làm ra. |
Còn ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, cho biết: Mỗi hộ thường chỉ có 1-2 ha cà phê nên ít đầu tư lò sấy. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê sau thu hoạch. Vì vậy, để việc sản xuất cà phê phát triển ổn định từ trồng trọt đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm, Nhà nước cần hỗ trợ một phần cho các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp xây dựng sân phơi, lò sấy tập trung có quy mô, tạo mối liên kết làm ăn tập thể.
Nguyễn Diệp