Bạn đọc

Cần "Nghị định 100" trong xử lý tiếng ồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một số lãnh đạo địa phương đề xuất cần có nghị định xử phạt như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Không cần định lượng, không cần thiết bị đo, chỉ cần gây ồn, quá thời gian quy định là xử lý

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn, chỉ đạo các ủy viên UBND TP, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, TP về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn.

Chỉ cần gây ồn, quá thời gian là phạt

Trước đó, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2021 do UBND TP tổ chức sáng 26-2, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương quyết liệt xử lý tình trạng karaoke tự phát gây khổ cho người dân.

Chủ tịch UBND TP cho biết ông thường xuyên nhận được tin nhắn của người dân, phản ánh về tiếng ồn từ các karaoke tự phát, nhất là từ 10 giờ đêm. "Người dân đi làm cả ngày, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở, ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này; phải thấy đây là vấn đề nhức nhối, chứ không phải chuyện bình thường" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.


 

Nhiều bạn đọc cho rằng không cấm hát karaoke nhưng cấm gây tiếng ồn. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều bạn đọc cho rằng không cấm hát karaoke nhưng cấm gây tiếng ồn. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM, quận Bình Tân đã chỉ đạo các phường thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý karaoke tự phát gây ồn ở khu dân cư. Ngoài ra, quận và các phường tăng cường vận động để người dân không hát karaoke tự phát gây ồn ở khu dân cư. Bên cạnh đó, các khu phố còn tổ chức ký các cam kết không gây ồn ở khu dân cư. Về khó khăn hiện nay, theo bà Lê Thị Ngọc Dung, là một số trường hợp khi lực lượng chức năng nhận tin báo đến nơi thì người vi phạm tắt máy không hát nữa nên khó xử lý.

Nói về vấn đề này, ông Trương Hồng Phong - Chủ tịch UBND phường 13, quận Gò Vấp - cho rằng hầu như địa phương nào cũng có phản ánh của người dân về ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Để giảm ô nhiễm tiếng ồn, cốt lõi là sự tuyên truyền của địa phương cũng như ý thức của người dân.

"Tại phường 13, 96% là người có đạo, hầu hết đều ý thức giữ gìn môi trường sống cho nhau nên việc khiếu nại tiếng ồn ít hơn các địa phương khác. Việc tuyên truyền về giảm tiếng ồn vẫn được địa phương thường xuyên lồng ghép vào các cuộc họp ở khu phố, tổ dân phố, thậm chí đưa vào các bài giảng của các vị linh mục ở nhà thờ" - ông Trương Hồng Phong nói.

Ông Trương Hồng Phong cho rằng trong vấn đề này, quan trọng là chính quyền phải vào cuộc. Khi nhận phản ánh của người dân, lực lượng khu phố, tổ dân phố hoặc công an khu vực phải có mặt nhắc nhở, vận động ngay. Trường hợp nào cố tình vi phạm thì xử phạt nghiêm theo các quy định hiện hành. Thời điểm không thể đo hoặc không có dụng cụ để đo tiếng ồn thì vẫn xử phạt hành chính nếu người gây tiếng ồn không xuất trình được giấy tờ tùy thân theo quy định.

"Tâm lý người vi phạm thường thoái thác, ngụy biện. Khi lực lượng đến kiểm tra, hành vi đó không còn diễn ra, vậy đo cái gì, chưa kể đặt thiết bị đo thời điểm nào để chính xác, người vi phạm tâm phục khẩu phục? Theo tôi, cần có nghị định xử phạt tiếng ồn giống như Nghị định số 100 xử phạt nồng độ cồn. Không cần định lượng, không cần thiết bị đo, chỉ cần gây ồn, quá thời gian quy định là có thể xử lý. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần quy định, quản lý những cơ sở sản xuất loa kéo, dàn âm thanh, khi bán phải bán cho đối tượng nhất định, không bán tràn lan" - ông Trương Hồng Phong đề xuất.

Lùi thời gian "gây ồn" không quá 19 giờ

Là địa phương có hơn 60% người dân nhập cư, ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - cho biết xã có hơn 121.000 nhân khẩu, đa số là dân nhập cư. Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người sống xa quê, xa gia đình. Do đó, họ thường xuyên tổ chức họp mặt với nhau vào dịp cuối tuần, tổ chức liên hoan, ca hát sau một tuần làm việc vất vả tại các công ty, xí nghiệp… Một số gia đình sau khi liên hoan xong có chút men rượu thì bắt đầu hát karaoke bằng loa di động gây ồn ào cho những người dân sống xung quanh…

Trong năm 2020, xã đã nhận 13 phản ánh của người dân trên phần mềm Bình Chánh trực tuyến, qua kiểm tra đã xử lý 13/13 trường hợp. Ngoài kiểm tra ngay khi người dân phản ánh, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền đến 15 ấp, giải thích các quy định pháp luật để người dân nắm rõ.

Theo ông Trần Vũ Hữu Duy, để xử lý vi phạm tiếng ồn hiệu quả hơn, địa phương này cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần quy định thời gian hoạt động đến 19 giờ (hiện nay là 22 giờ) và chỉ được hoạt động vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Ngoài ra, đề xuất trang bị dụng cụ đo độ ồn và thiết lập xây dựng hệ thống phần mềm điện tử đo độ ồn từ xa để bảo đảm tính pháp lý trong công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp bị phản ánh.

Một công an viên xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết công an khu vực là người thường xuyên tiếp nhận các phản ánh của người dân về việc gây tiếng ồn. Tuy nhiên, thực tế quyền hạn và trách nhiệm của công an xã chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân hiểu, còn việc xử phạt phải theo quy định tại điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về bảo đảm sự yên tĩnh chung của khu vực. Theo đó, nếu hành vi hát karaoke gây ầm ĩ, ảnh hưởng hàng xóm sau 22 giờ đến 6 giờ hôm sau sẽ bị xử phạt từ 100.000-300.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người dân phản ánh từ 12 giờ đến 21 giờ, không quá 22 giờ theo quy định nên công an khu vực tiếp nhận thì chỉ nhắc nhở là chính.

 



Bạn đọc hiến kế "trị" tiếng ồn

"Vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Phải hướng dẫn, giải thích các quy định bằng các hình thức để người dân nghe, thấy, biết được rồi tự khắc sẽ sửa chữa, khắc phục vi phạm của mình" - bạn đọc V.Thiên nêu ý kiến.

Bạn đọc Nguyen Viet Nam hiến kế: "Quy định trong khu dân cư chỉ cho phép độ ồn ở khoảng cách với cái loa là 5 m hay 10 m, tối đa bao nhiêu dB... Lập tổ chuyên trách đo độ ồn (nhân sự từ công an, dân phòng, làm việc ngoài giờ hành chính); trang bị máy đo tiếng ồn cầm tay, loại này hoàn toàn trong khả năng ngân sách TP; công bố số điện thoại đường dây nóng. Nếu bắt quả tang vi phạm thì phạt thích đáng. Tiền phạt thu được ngoài nộp ngân sách, trích lại một phần cho tổ chuyên trách...".

Bạn đọc Nguyen đề xuất: "Không cần phải có máy đo, dân than phiền thì cán bộ phường phải xuống kiểm tra. Nếu có vụ việc mở loa karaoke thì nhắc nhở, lập biên bản; tái phạm thì tịch thu loa, phạt hành chính 5-10 triệu đồng. Người dân phản ánh mà cán bộ phường "làm lơ" thì kỷ luật".

Một số bạn đọc đề nghị TP có đường dây nóng để người dân phản ánh những trường hợp chính quyền cơ sở chây ì, không dẹp karaoke. Cán bộ bị nhiều kiến nghị thì TP cho thôi việc. Ngoài ra, có quy định cụ thể việc bán dàn loa cho người dân.

H.Hiếu

Theo Thu Hồng - Trường Hoàng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm