(GLO)- Lời Tòa soạn: Năm 2018, dự ước thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.453 tỷ đồng. Đây được coi là bước đệm quan trọng để tỉnh Gia Lai hướng đến mục tiêu đạt mức thu ngân sách 5.000 tỷ đồng vào năm 2020. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính.
* P.V: Kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018 nói lên điều gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN DŨNG: Năm 2018, Trung ương giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là 3.983 tỷ đồng, dự toán được HĐND tỉnh thông qua là 4.200 tỷ đồng. Dự ước kết quả thực hiện năm nay là 4.453 tỷ đồng, đạt 111,8% dự toán Trung ương giao và đạt 106% dự toán HĐND tỉnh đề ra, tăng 4,9% so với năm 2017.
Nhìn vào kết quả này cho thấy, năm 2018 ghi dấu thành công của việc xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo lập được nguồn thu ổn định và lâu dài từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho ngân sách nhà nước. Thông qua sự quan tâm, chỉ đạo điều hành xuyên suốt có hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tinh thần vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương qua việc triển khai các giải pháp thu ngân sách phù hợp với điều kiện thực tế đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội tăng trưởng theo hướng thực chất, bền vững. Đây là cơ sở để các nguồn thu sớm đạt dự toán, tiến độ đề ra. Có thể khẳng định, kết quả thu ngân sách của năm 2018 là cơ sở, bước đệm cần thiết để tăng tốc bứt phá cho năm 2019 với mục tiêu phấn đấu đạt từ 4.900 tỷ đồng trở lên.
Tạo lập nguồn thu từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là bước đi cần thiết để điều chỉnh cơ cấu nguồn thu theo hướng tích cực, bền vững. Ảnh: S.C |
* P.V: Trong cơ cấu nguồn thu cho thấy, thu nội địa ngân sách nhà nước năm nay đạt và tăng so với năm 2017. Để đạt được điều này, ngành Tài chính đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
- Ông NGUYỄN DŨNG: Tổng thu nội địa ngân sách nhà nước năm 2018 ước thực hiện 3.617,4 tỷ đồng, đạt 105,8% dự toán Trung ương và 104,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 9,8% so với năm 2017. Dưới góc độ của ngành Tài chính, nguồn thu này chiếm tỷ lệ cao và mang tính ổn định, phản ánh rõ nét tình hình, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội năm nay dưới tác động của việc các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực, xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, xúc tiến kêu gọi đầu tư trong nước và một số dự án đầu tư chính thức đi vào hoạt động, công tác phát triển doanh nghiệp thành lập mới tăng. Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương tăng do năm nay thời tiết mưa nhiều, sản lượng phát điện các công ty thủy điện tăng cao. Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng do một số doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả, gắn với thị trường được mở rộng. Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng do phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp và truy thu qua kiểm tra thuế. Đáng chú ý, thu từ khu vực công-thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng khá cao là kết quả từ việc phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ cũng như quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp và từ cộng đồng doanh nghiệp.
* P.V:Xây dựng cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững là cơ sở để phấn đấu thu ngân sách đạt 5.000 tỷ đồng vào năm 2020. Xin ông cho biết chiến lược thu ngân sách của tỉnh trong những năm tiếp theo là gì?
- Ông NGUYỄN DŨNG: Việc xây dựng chiến lược thu ngân sách bài bản, lâu dài là một yêu cầu thực tế đặt ra, nếu chúng ta nhìn vào cơ cấu nguồn thu hiện nay của địa phương. Một kết quả không thể phủ nhận là năm nay, bên cạnh khoản thu từ thủy điện thì thu tiền sử dụng đất đạt tới 252% dự toán Trung ương và đạt 147,5% dự toán HĐND tỉnh giao, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách. Thu tiền thuê mặt đất, mặt nước, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đều tăng và vượt dự toán. Tuy nhiên, các khoản thu này chỉ là khai thác tài nguyên, không mang tính ổn định, bền vững. Do đó, phải có tầm nhìn, có kế hoạch tổ chức khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả nhằm phát huy nguồn lợi từ nguồn tài nguyên vô giá này trong chiến lược dài hạn. Nhận thức điều này, trong năm 2018, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai việc tạm ứng kinh phí từ Quỹ “Phát triển đất” để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo ra quỹ đất sạch phục vụ công tác kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực để xây dựng dự án nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo lập nguồn thu từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là chủ yếu, là bước đi cần thiết để điều chỉnh cơ cấu nguồn thu theo hướng tích cực, bền vững. Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trên địa bàn TP. Pleiku, đưa các cụm tiểu thủ công nghiệp ở An Khê, Ayun Pa, Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Ia Grai, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prông, Khu Công nghiệp Nam Gia Lai và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đi vào hoạt động sẽ tạo ra nguồn thu ổn định, chiến lược cho ngân sách địa phương. Đây là hướng mở để gắn kết được nông nghiệp, công nghiệp với xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để đạt mục tiêu này, Gia Lai không dừng lại ở các nhà đầu tư trong nước mà phải sớm thu hút được doanh nghiệp nước ngoài, kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp FDI vào sản xuất, các nhà đầu tư theo mô hình hợp tác công tư trong các lĩnh vực cần đẩy mạnh xã hội hóa như y tế chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực; các doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ mới như nông nghiệp thông minh nhằm tạo ra sản phẩm sạch, năng suất cao, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý để xuất ra thị trường thế giới. Thực hiện kết nối đầu tư và khai thác tiềm năng du lịch bản địa nhằm tạo ra thế mạnh từ “ngành công nghiệp không khói” cũng sẽ tạo ra nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp và cho ngân sách.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Sơn Ca (thực hiện)