Bạn đọc

Cẩn thận sự cố lưới điện mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa mưa bão khiến rất dễ xảy ra những sự cố trên lưới điện, không chỉ gây gián đoạn cung cấp điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân và doanh nghiệp. Trách nhiệm phòng tránh sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện không chỉ từ ngành điện mà còn của người dân.

 Công ty Điện lực Gia Lai xử lý sự cố an toàn điện. Ảnh: H.D
Công ty Điện lực Gia Lai xử lý sự cố an toàn điện. Ảnh: H.D

Anh Hoàng Văn Huy (tổ 6, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vẫn chưa hết lo sợ khi kể lại sự việc vừa xảy ra với gia đình mình: “Trên nóc nhà tôi có hệ thống dây điện chạy qua. Có thể do mưa nhiều nên dây diện bị thòng xuống mái tôn. Mới đây, do dây điện bị hở nên dẫn điện xuống mái tôn và dẫn luôn vào bồn nước nóng lạnh đang đặt trên mái tôn khiến cả hệ thống nước bị nhiễm điện. Sáng ngủ dậy, mở vòi nước rửa mặt, tay tôi bị điện giật tê hết. Lúc đó tôi còn tưởng do tay tôi bị gì đó. Sau mới biết là do điện bị rò rỉ”. Tương tự, chị Kim Bắc (256 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) cũng đã vô cùng hoảng hốt khi xả nước từ bình nóng lạnh, lúc đưa tay vào thử độ nóng của nước đã bị điện giật tê cả cánh tay.

Xung quanh những sự cố kể trên, ông Hồ Đức Huấn-Phó Trưởng phòng An toàn (Công ty Điện lực Gia Lai) cho biết: Mùa mưa, những sự cố liên quan tới mất an toàn lưới điện rất dễ xảy ra. Vì vậy, người dân cần phải hết sức cẩn thận để tránh những hậu quả đáng tiếc. Đồng thời, Công ty Điện lực Gia Lai luôn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân những kiến thức cơ bản nhằm đảm bảo an toàn lưới điện như: cầu dao, cầu chì, áp-tô-mát, công tắc, ổ cắm phải có nắp đậy chắc chắn, đặt nơi khô ráo và nên đặt ở vị trí cao hơn sàn nhà 1,5 mét để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và tránh khả năng ngập nước. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng ở các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị Điện lực quản lý cắt điện. Khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước phải sấy khô mới được sử dụng. Trong mùa mưa bão, cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện.

Ông Huấn cũng cảnh báo: Trường hợp nhà bị ngập, tuyệt đối không đi lại trong nhà dọn đồ đạc vì điện bị rò trong nước có nguy cơ gây tai nạn chết người. Khi dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần. Không được đến gần hoặc bám vào cột điện bị ngập nước để đề phòng điện rò trong nước gây tai nạn. Để kiểm tra xem có điện hay không thì phải dùng bút thử điện để thử; thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện (mái tôn, vách tôn, hàng rào kim loại, trụ kim loại...). Nếu phát hiện có những điểm không bảo đảm an toàn, nên báo ngay cho điện lực nơi sở tại. Nếu phần hư hỏng nằm phía sau đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa.

Để phòng ngừa sự cố lưới điện, Công ty Điện lực Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã tiến hành thay thế, nâng tiết diện 45,742 km đường dây trung áp, 86,791 km đường dây hạ áp; kẹp thêm dây vào dây cũ để nâng tiết diện dây dẫn cho 41,44 km đường dây trung áp và 55,69 km đường dây hạ áp. Điều này giúp giảm tình trạng quá tải ở các đường dây, từ đó nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng và giảm sự cố. Công tác phát quang hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP rất được các Điện lực chú trọng. Trong mùa mưa bão này, Công ty đã hoàn thành việc treo lắp 205 tấm pa-nô tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân và đang thực hiện việc đặt dấu hiệu cảnh báo trên mọi cột điện trung áp theo yêu cầu của Luật Điện lực, Nghị định 14/2014/NĐ-CP và Thông tư 31/2014/TT-BCT cho các cột có dấu hiệu cảnh báo bị mờ, bong tróc.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm