Sức khỏe

Tin tức

Cần theo dõi sức khỏe sau khi âm tính với SARS-CoV-2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà chỉ sau 3 đến 5 ngày đã âm tính với SARS-CoV-2 nên nảy sinh tâm lý chủ quan, không theo dõi sức khỏe, không thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định. Trao đổi với P.V Báo Gia Lai xung quanh vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 đã có những khuyến cáo bổ ích.
* P.V: Hiện nay, nhiều F0 điều trị tại nhà sau 3 đến 5 ngày qua test nhanh có kết quả âm tính và cho rằng mình đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường hợp bệnh nặng lên, thậm chí tử vong, vì sao vậy thưa bác sĩ?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc. Ảnh: Như Nguyện
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc. Ảnh: Như Nguyện
- Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc: Việc đánh giá một bệnh nhân khỏi bệnh phải dựa vào nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa vào test nhanh âm tính. Thông thường thì phải kết hợp 2 yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng. Trước hết, cho phép tôi được nói một chút về Omicron. Biến thể này bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 10-2021, đến nay đã chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Omicron có các đặc điểm khác với chủng ban đầu về triệu chứng, mức độ, khả năng lây truyền và thời gian ủ bệnh. Ngoại trừ việc lây lan nhanh thì nhìn chung, số không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ chiếm tỷ lệ rất cao và mức độ nghiêm trọng của bệnh có tỷ lệ cực kỳ thấp.
Qua test nhanh, với các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2 thì độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác của từng loại test cũng khác nhau, đặc biệt là âm tính giả. Một nghiên cứu của Pháp và Đức phân tích đa trung tâm nhiều loại test khác nhau trong năm 2021 đã chỉ ra tỷ lệ bỏ sót ca bệnh, nhất là ca không triệu chứng, ca có tải lượng vi rút thấp lên đến 25-41%. 
Ngoài ra, thời điểm test cho kết quả dương tính có tác dụng với Omicron nhưng chỉ khi tải lượng vi rút của người được xét nghiệm cao vào thời điểm này. Cơ quan US.FDA của Mỹ cho biết, test nhanh ít nhạy hơn trong việc phát hiện biến thể Omicron (Newscientist, 2022) nên khả năng cho kết quả âm tính giả cao hơn so với biến thể Delta. Trong khi đó, thời gian đảo ngược kết quả từ dương tính sang âm tính của SARS-CoV-2 còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: bệnh nền đang có, hệ miễn dịch, tải lượng vi rút nhân lên trong các tế bào của bệnh nhân… Mặt khác, việc test nhanh âm tính còn phụ thuộc vào người xét nghiệm làm có đúng quy chuẩn không. Do đó, nếu tin tưởng hoàn toàn vào kết quả test nhanh âm tính là chưa chuẩn vì nhiều người còn vi rút, thậm chí tải lượng rất cao. Do vậy, người bệnh không nên chủ quan, lơ là các biện pháp cách ly theo quy định nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.
Qua thực tế điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, sau 5 đến 6 ngày có trên 70% bệnh nhân trở về âm tính, sau 10 ngày thì trên 90% số ca trở về âm tính. Điều này có nghĩa khi phát hiện bản thân hoặc người thân nhiễm Omicron thì không nên quá lo lắng. Do vậy, không cần phải mua test về xét nghiệm trước 10 ngày vì khả năng dương tính vẫn còn, chỉ tốn tiền vô ích.
* P.V: Thực tế hiện nay, số F0 nhẹ/không triệu chứng chiếm đại đa số. Sau khi âm tính trở lại, họ bỏ hết việc theo dõi sức khỏe, nhất là chỉ số SpO2. Vậy, bác sĩ có khuyến cáo gì về việc này?
- Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc: Đối với các chủng trước đây, khuyến cáo cần theo dõi sát bệnh nhân từ ngày 5 đến ngày 7 (có nơi từ ngày 5 đến ngày 10) vì bệnh chuyển nặng trong thời gian này. Đối với Omicron thì tôi chưa đọc được tài liệu nào nói về điều này. Tuy nhiên, qua quan sát một số bệnh nhân thì họ thường chuyển nặng vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 và chỉ trên các trường hợp có bệnh nền. Vì vậy, bệnh nhân không nên chủ quan, phải luôn theo dõi sức khỏe của mình. Nên đi bộ nhẹ nhàng, tập hít thở sâu, dinh dưỡng hợp lý, suy nghĩ tích cực, đừng lo lắng thái quá.
* P.V: Một số F0 sau khi khỏi bệnh gặp những di chứng. Vậy trường hợp nào cần phải thăm khám, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc: Hầu hết những người mắc Covid-19 đều khỏe lại trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, một số ít gặp phải tình trạng hậu Covid. Các tình trạng này là một loạt các vấn đề về sức khỏe mới mà mọi người có thể gặp phải trong vòng 4 tuần hoặc hơn, ngay cả những người nhiễm không có triệu chứng. Theo CDC Hoa Kỳ, hậu Covid có thể có một hoặc kết hợp nhiều triệu chứng sau: khó thở hoặc thở gấp, mệt mỏi, khó chịu sau gắng sức, khó suy nghĩ hoặc tập trung (đôi khi được gọi là “sương mù não”), ho, đau ngực hoặc đau dạ dày, đau đầu, tim đập nhanh, rối loạn giấc ngủ… Mặc dù rất hiếm nhưng một số người, chủ yếu là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống (MIS) trong hoặc ngay sau khi nhiễm Covid-19. Khi gặp phải các tình trạng, triệu chứng trên thì gọi điện cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được khám và tư vấn.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng, triệu chứng hậu Covid là phòng bệnh Covid-19. Đối với những người hội đủ điều kiện, việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 càng sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm bệnh và cũng có thể giúp bảo vệ những người xung quanh. Hầu hết người nhiễm chủng Omicron đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, thậm chí nhẹ hơn cả cúm thông thường. Dù vậy cũng không nên chủ quan, đặc biệt là những người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.
* P.V:  Xin cảm ơn bác sĩ!
NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm