Kinh tế

Cẩn trọng với "hàng về nông thôn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những ngày cuối năm này, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nếu có dịp về vùng nông thôn, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân “đưa hàng về nông thôn” để bày bán. Đây là việc làm cần thiết nhằm giúp bà con vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, mua sắm với nhiều loại mặt hàng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng cũng theo đó đưa về khiến nhiều người rơi vào tình cảnh “tiền thật-hàng giả”.
 

 Nhiều tổ chức, cá nhân “đưa hàng về nông thôn”. Ảnh: Bá Thăng
Nhiều tổ chức, cá nhân “đưa hàng về nông thôn”. Ảnh: Bá Thăng

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại hàng năm và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Đầu tư và Du lịch, Sở Công thương tỉnh Đak Lak đã nỗ lực trong việc đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài những chuyến bán hàng lưu động, các doanh nghiệp còn tổ chức những phiên chợ, hội chợ Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Do đối tượng khách hàng chủ yếu là người dân nông thôn nên các hàng hóa đưa về phần lớn là mặt hàng tiêu dùng như lương thực-thực phẩm chế biến, bánh kẹo, đồ uống các loại, sản phẩm may mặc, dụng cụ nấu ăn, đồ điện gia dụng… và các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, dụng cụ làm vườn và chăm sóc cây cảnh, máy nông cụ… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý và thực hiện các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu mãi phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng khu vực. Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý nên hàng Việt đang ngày càng được khách hàng nông thôn ưa chuộng và chọn lựa.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được nhiều tổ chức, cá nhân theo đó đưa về vùng nông thôn khiến nhiều người dân rơi vào tình cảnh “tiền thật-hàng giả”. Hàng thật thì hiếm mà hàng giả, kém chất lượng thì nhiều.

 

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Tiếp xúc với một người bán dạo ở huyện Cư Kuin xưng tên là Tuấn cho biết: Anh hành nghề này tại Tây Nguyên đã hơn 2 năm, chưa lần nào đưa hàng đi mà không bán được. Mỗi lượt vận chuyển bằng xe máy bán dạo anh chỉ mang theo được từ 5 đến 7 món hàng để bán hết trong ngày. Anh tiết lộ: Mình là nhân viên bán hàng cho một công ty ở Sài Gòn, lương mỗi tháng 3 triệu đồng, nếu bán hàng vượt quá định mức được giao sẽ có thưởng thêm… Riêng trên địa bàn huyện Cư Kuin hiện được họ phân chia gần 50 người bán hàng dạo.

Ngoài ra, tại các huyện khác như Buôn Đôn, Krông Pak, Krông Ana… ngoài đội ngũ bán dạo này cũng khá đông đúc còn xuất hiện nhiều cá nhân chở hàng bằng ô tô mang hàng về “phục vụ” bà con. Bà Lê Thị Hà, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, thuộc diện gia đình neo đơn, kinh tế gia đình bấp bênh với 2 sào cà phê già cỗi ấy vậy mà vừa qua bà đã bỏ ra 5 triệu đồng để mua một chiếc bếp từ có xuất xứ Trung Quốc, kèm theo quà khuyến mãi là bộ nồi inox nhỏ. Cả 2 sản phẩm này giá bán trên thị trường chỉ chưa đến 1 triệu đồng, nhưng theo người bán thì: “Đang còn rẻ chán, bởi sẽ được bảo hành trong 12 năm nếu hư hỏng mình có thể đi đổi cái khác mà không mất thêm tiền”.

Ngoài chiêu bài hứa hẹn sẽ bảo hành dài hạn, chị Phạm Thị Hòa, ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pak cũng được người bán dạo đưa đến tận nhà giới thiệu chiếc máy mát xa mini có thể hút hết bệnh với giá 5,5 triệu đồng, kèm theo phiếu rút thăm trúng thưởng tại chỗ được bộ ly thủy tinh. Nhưng do chưa có tiền mặt lại nghe lời giới thiệu ngon ngọt chị đã đập heo đất tiết kiệm của con được 2 triệu đồng, vay thêm hàng xóm để mua bằng được sản phẩm này vì sợ người khác mua mất. Khi chồng chị về phát hiện thì hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau.

Được biết, hiện nay người bán dạo về địa phương rất đông, để quản lý việc buôn bán này và kiểm soát các mặt hàng trên thật hay giả thì rất khó. Song, bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân vẫn đổ xô mua hàng. Có những hộ gia đình nghèo cũng cố vay mượn tiền để mua những thứ đồ xa xỉ để rồi không dùng đến, hay vợ chồng đánh nhau cũng vì mua giá đắt rẻ… Thiết nghĩ, việc mua bán hàng tận nơi về nông thôn là rất cần thiết, góp phần phục vụ nhu cầu ngày càng cao của đời sống người dân, nhưng để lựa chọn sản phẩm nào thực sự cần thiết, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình thì bà con cần phải cân nhắc kỹ. Do vậy, bà con nên đến những địa chỉ mua hàng cụ thể, có nhãn mác bao bì bảo đảm.

Nguyễn Bá

Có thể bạn quan tâm