Kinh tế

Tài chính

Cần ứng xử công bằng với người vay vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa yêu cầu thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép khách hàng tới vay vốn phải mua bảo hiểm hoặc dụ người gửi tiết kiệm đầu tư sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định. Sự chỉ đạo này được cho là kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và làm lành mạnh hóa hoạt động bảo hiểm.

Vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh là nhu cầu bình thường của người dân và doanh nghiệp. Bởi không phải ai cũng có sẵn nguồn vốn trong mọi trường hợp. Không cứ gì doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân thiếu tiền mua nhà, mua xe… cũng rất cần vay tiền ngân hàng.

Thiếu vốn thì phải vay. Vay thì phải tính toán sử dụng sao cho hiệu quả. Cho nên vay bao nhiêu, cần đầu tư bao nhiêu tiền vào hạng mục, công việc nào, người vay đều tính toán chi tiết. Bởi vay là phải trả lãi. Mà lãi ngân hàng thì dù cao hay thấp, cứ đến hẹn lại lên. Không tính toán kỹ phương án trả nợ thì dễ bị nợ quá hạn, thậm chí là mất khả năng thanh toán. Mọi kế hoạch, sự kỳ vọng vì thế mà cũng sẽ tiêu tan.

Thế nên, khi vay vốn, bị ngân hàng ép phải mua bảo hiểm nhân thọ hay bị nhân viên chào mời mua bảo hiểm liên kết đầu tư là chuyện người dân và doanh nghiệp chưa bao giờ tính đến. Tuy nhiên, vì đang cần tiền đầu tư, dù muốn hay không, người dân vẫn phải âm thầm chịu đựng cho được việc.

Kiểu kinh doanh bắt chẹt người dân và doanh nghiệp của các ngân hàng đã diễn ra từ nhiều năm qua. Lời kêu ca của người vay vốn, thông tin trên mạng xã hội, báo chí… cũng đã vọng đến nghị trường Quốc hội; các đại biểu cũng đã nhiều lần nêu ý kiến. Năm 2022, trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có công văn yêu cầu các ngân hàng chấn chỉnh tình trạng này, thậm chí là cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp phản ánh.

Tuy nhiên, tình hình vẫn không mấy cải thiện. Những lời kêu ca của người dân vì bị ép mua bảo hiểm hoặc liên kết đầu tư tài chính theo kiểu lãi cùng chia, lỗ người dân chịu tất vẫn tiếp tục được phản ánh trên báo chí và dư luận xã hội, thậm chí là đã có vụ người dân tố cáo hành vi biến tiền tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm của nhân viên tư vấn. Cơ quan điều tra đã phải vào cuộc xác minh.

Vì sao vậy? Câu trả lời không gì khác ngoài hai chữ “lợi nhuận”.

Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, nhiều ngân hàng lãi đậm hàng ngàn tỷ đồng nhờ kinh doanh, bán chéo sản phẩm bảo hiểm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ (năm 2021 là 68%).

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cũng có doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 3.353 ngàn tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%. Ấy là chưa kể, năm 2022, VPBank còn thu về ước khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm với Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Năm 2022, lãi thuần từ hoạt động khác của VPBank lên tới 10.583 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2021 là nhờ thương vụ này.

Các ngân hàng thương mại cổ phần: Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quốc tế Việt Nam (VIB), Tiên Phong (TPBank) cũng có doanh thu và lợi nhuận từ bảo hiểm lớn trong năm 2022. Techcombank tăng 12,3%, đạt hơn 1.750 tỷ đồng. Tại VIB, riêng thu nhập hoa hồng bảo hiểm năm 2022 là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021.

Vì lợi nhuận, hoạt động liên kết giữa các ngân hàng với các công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm và tìm kiếm thêm nguồn thu từ phí, hoa hồng diễn ra ngày càng nhiều. Người dân và doanh nghiệp vay vốn chắc sẽ còn được nghe nhiều lời mời mọc, tư vấn, thậm chí là ép buộc để mua bảo hiểm và nhiều sản phẩm tương tự của các công ty bảo hiểm, nếu việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính không được thực thi nghiêm túc.

Đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có bảo hiểm là hướng đi đúng của các ngân hàng. Tuy nhiên, lợi dụng người dân và doanh nghiệp cần vay vốn để ép mua bảo hiểm, gian dối trong tư vấn bảo hiểm là kiểu kinh doanh thiếu minh bạch, không công bằng, trái pháp luật. Cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn.

Một xã hội văn minh là nơi những mối quan hệ dân chủ, công bằng, minh bạch được thực thi và xem đó là nguyên tắc ứng xử trong cuộc sống. Ngân hàng trong mối quan hệ với người dân và doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh, vay-trả. Vì vậy, tôn trọng, minh bạch, công bằng với khách hàng, chí ít là không o ép họ để giành phần lợi về mình là cách hành xử đúng đắn nhất để hệ thống ngân hàng sống được và phát triển.

Có thể bạn quan tâm