Giới quan sát cho rằng Canada sẵn sàng tham gia chương trình tự do hoạt động hàng hải do Mỹ tiến hành ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Hoạt động của hải quân Canada ở Tây Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể trong 2 năm qua. Những tàu chiến mang lá cờ in hình chiếc lá phong đang trở thành hình ảnh quen thuộc trong khu vực này.
Báo Asia Times (Hồng Kông) ngày 25-11 dẫn lời ông Blair Saltel, sĩ quan chỉ huy tàu khu trục Canada HMCS Calgary - gần đây tham gia một số hoạt động ở Đông Á, cho biết Canada dự kiến sẽ phái 1 hoặc 2 tàu chiến đến khu vực nêu trên mỗi năm. Giới quan sát cho rằng Canada sẵn sàng tham gia chương trình tự do hoạt động hàng hải do Mỹ tiến hành ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Nói về quy mô cam kết của hải quân Canada với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Canada tuyên bố lực lượng này được điều động đến toàn cầu - phù hợp với chính sách quốc phòng của quốc gia. Lực lượng này hoạt động độc lập và hỗ trợ đồng minh cũng như các đối tác để cải thiện an ninh khu vực và ổn định khắp thế giới.
Bộ Quốc phòng Canada tỏ ra thận trọng đối với biển Đông và biển Hoa Đông - nơi Bắc Kinh tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á. Phía Canada gọi những cuộc điều động lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương là "tuần tra hiện diện", không sử dụng thuật ngữ tự do hoạt động hàng hải.
Tàu khu trục HMCS Calgary của Canada Ảnh: FORCES.GC.CA |
Giới chức quốc phòng Canada thừa nhận hải quân nước này duy trì sự hiện diện liên tục ở châu Á - Thái Bình Dương nhưng nhấn mạnh Ottawa nhằm mục đích phát triển mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Canada sau Mỹ. Gần đây, sau khi gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Singapore, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận mang tính thăm dò hướng tới thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc.
Có thể nói, mối quan hệ của Canada với Trung Quốc nhiều khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và thực hiện chiến lược hàng hải của chính phủ ông Trudeau. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với các kế hoạch của Ottawa vẫn là tiềm lực hải quân giới hạn của nước này và sự cần thiết phải cân bằng lực lượng giữa các khu vực Đại Tây Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Mỹ và Úc đang nỗ lực hợp tác để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông giữa lúc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có dấu hiệu lùi bước. Hai quốc gia này đang hợp sức phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus ở Papua New Guinea.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã dùng bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Port Moresby - Papua New Guinea hôm 17-11 để xác nhận rằng Mỹ sẽ trợ giúp căn cứ hải quân trên đảo Manus, một căn cứ có thể đồn trú nhiều tàu chiến hơn ở Thái Bình Dương. Theo tạp chí Forbes, căn cứ này nằm trong kế hoạch nhằm duy trì liên tục một lối đi quan trọng đến biển Đông.
"Động thái của Mỹ chẳng phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Trung Quốc có quyền lợi quân sự ở Vanuatu. Còn ASEAN thiếu một tầm nhìn gắn kết. Vì thế, Mỹ cần một hành lang ở phía Nam để đến biển Đông" - chiến lược gia toàn cầu Jeffrey Borda nhận định.
Thế nhưng, một căn cứ hải quân có thể là không đủ để đương đầu với chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát tuyến đường phía Nam dẫn đến biển Đông. Theo ông Borda, chiến lược của Trung Quốc là lâu dài, tập trung cả vào việc sử dụng đầu tư và thương mại làm công cụ thể hiện sức mạnh. Vì thế, nếu Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, quân sự chỉ là một vế của phương trình.
Lục San (NLĐO)