Trước đó, sau khi ghi nhận hơn 300 trẻ nhỏ tử vong tại nhiều quốc gia do sử dụng các loại siro ho, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia khẩn trương xử lý và loại bỏ các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn. Các vụ việc được phát hiện tại ít nhất 7 quốc gia, trong khi Gambia, Indonesia và Uzbekistan là 3 nước ghi nhận các trường hợp trẻ nhỏ tử vong do các loại siro họ có chứa những hóa chất độc hại này. Hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: India Today) |
WHO nhấn mạnh trong 4 tháng qua, tổ chức này đã tiếp nhận báo cáo về một số vụ việc liên quan các loại siro ho không kê đơn dành cho trẻ em có chứa hàm lượng diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) ở mức cao.
Đây là những hóa chất độc hại được sử dụng làm dung môi công nghiệp và các chất chống đông, chúng có thể gây tử vong dù chỉ nuốt phải một lượng rất nhỏ và lẽ ra không được xuất hiện trong các loại dược phẩm.
Các sản phẩm bị cấm sử dụng gồm: Promethazine Oral Solutinon, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup, Magrip N Cold Syrup, Termorex Syrup, Flurin DMP Syrup, Unibebi Cough Syrup, Unibebi Demam Paracetamol Drops, Unibebi Demam Paracetamol Syrup, Paracetamol Drops, Paracetamol Syrup (mint), Vipcol Syrup, Ambronol Syrup, DOK-1 MAX Syrup. Hiện các loại siro này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành cũng như lưu hành tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, các sản phẩm này được sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia, có chứa Diethylene có thể dẫn đến tổn thương sức khỏe nghiêm trọng hoặc gây tử vong cho người sử dụng.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở khám-chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương triển khai phổ biến, thông báo cho các cơ sở y tế, cơ sở dược trên địa bàn, các khoa, phòng tại đơn vị biết về các thông tin cảnh báo đối với 14 sản phẩm siro ho nêu trên, để khuyến cáo về tác hại nghiêm trọng nếu sử dụng sản phẩm và nghiêm cấm sử dụng.
Các cơ sở tăng cường tuyên truyền trên địa bàn và tại đơn vị về việc không sử dụng các thuốc không được cấp phép lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dược việc lưu hành các sản phẩm này nói riêng, các thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành nói chung trên thị trường.