(GLO)- Lời Tòa soạn: Những ngày qua, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có mưa, báo hiệu mùa mưa bắt đầu. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử trao đổi với ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên) về những diễn biến của thời tiết trong thời gian tới.
* P.V: Thời gian qua, thời tiết ở Gia Lai diễn biến như thế nào, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Từ đầu năm 2021 đến ngày 31-5, diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh có một số thay đổi đáng kể. Tổng lượng mưa trên toàn tỉnh phổ biến xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Điển hình như từ tháng 1 đến tháng 3, lượng mưa phổ biến dưới 5 mm, mức thấp hơn so với TBNN. Riêng khu vực các huyện phía Đông chỉ đạt 10-30 mm. Bắt đầu từ tháng 4, tại khu vực phía Đông tỉnh, lượng mưa phổ biến 40-80 mm, còn các khu vực khác khoảng 100-150 mm, so với những năm trước lượng mưa ở mức thấp hơn. Còn trong tháng 5 vừa rồi, lượng mưa phổ biến 80-120 mm, khu vực khác dao động trong khoảng 120-150 mm thấp hơn so với TBNN. Nhìn chung, trong những tháng vừa qua, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ thấp hơn TBNN. Đặc biệt, lượng mưa lại không đồng đều giữa các vùng, đơn cử như các huyện: Chư Păh, Ia Grai và Đak Đoa có lượng mưa cao hơn các khu vực khác trong tỉnh. Ngoài ra, từ nửa cuối tháng 3 đến nay đã xảy ra 6 đợt nắng nóng cục bộ tại các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh với nhiệt độ có thời điểm cao nhất lên đến 37-39 độ C.
Ông Nguyễn Văn Huấn theo dõi diễn biến thời tiết. Ảnh: Nguyễn Diệp |
* P.V: Gia Lai đã bước vào mùa mưa chưa, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Thời điểm hiện nay đang là những ngày cuối tháng 4 Âm lịch. Đây cũng là lúc tần suất mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn ở nhiều địa phương trong tỉnh. Có thể khẳng định, Gia Lai đã chính thức bước vào mùa mưa năm 2021. Tuy nhiên, lượng mưa xuất hiện ở từng khu vực khác nhau và không đồng đều. Tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh, lượng mưa sẽ thấp hơn TP. Pleiku và các huyện lân cận. Từ ngày 5 đến 7-6 đã xuất hiện mưa rải rác kéo dài tại TP. Pleiku và một số huyện trong tỉnh. Theo dự báo, đợt mưa này chỉ kéo dài đến khoảng ngày 9-6, nhưng thỉnh thoảng vào những buổi chiều, tối sẽ xuất hiện mưa, tuy nhiên lượng mưa không lớn lắm. Người dân cần cảnh giác các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm như: giông, lốc, sét và mưa đá cục bộ có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Từ tháng 6 trở đi bắt đầu xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, sẽ ảnh hưởng đến tình hình thời tiết Gia Lai. Trong đó, lượng mưa xuất hiện nhiều hơn, phổ biến khoảng 200-300 mm và sẽ tăng dần từ nay đến tháng 10-2021 ở mức xấp xỉ cao hơn TBNN.
* P.V: Vậy, cơ quan chuyên môn có khuyến cáo gì với người dân?
- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Bắt đầu từ tháng 6 trở đi là giai đoạn chuyển mùa, các địa phương và người dân cần đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, lốc xoáy, sét, mưa đá, mưa lớn trên diện rộng gây thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, thời gian tới, nắng nóng sẽ giảm dần ở một số khu vực các huyện phía Tây và trung tâm tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra hiện tượng nắng nóng cục bộ tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh.
Hiện nay, chúng tôi tập trung dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan để thông báo rộng rãi giúp người dân chủ động sản xuất và chăm sóc các loại cây trồng phù hợp với diễn biến thời tiết của từng địa phương, khu vực. Bà con nông dân khi thấy mưa đều, đất đủ độ ẩm thì mới xuống giống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, người dân trong tỉnh cần theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày để không bị ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN DIỆP (thực hiện)