Pháp luật

Tin tức

Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ trong mùa khô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Do đó, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Gia Lai và Công an các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm nâng cao ý thức người dân về phòng-chống cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Hàng năm, vào mùa hanh khô, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy, nhất là cháy kho chứa nông sản và cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, nhà ở kết hợp kinh doanh. Nguyên nhân các vụ cháy phần lớn do chập điện, quá trình sử dụng nguồn nhiệt không đảm bảo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tuân thủ nghiêm các quy định về phòng-chống cháy, nổ nên khi xảy ra cháy không ứng phó kịp thời, dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản.

Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) và Công an các địa phương tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân các quy định về PCCC và CNCH. Cụ thể, từ tháng 6-2022 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an cấp huyện phối hợp thực hiện hơn 15.000 lượt tuyên truyền lưu động và trên hệ thống loa phát thanh các cấp; tổ chức hơn 1.400 buổi tuyên truyền tập trung với 135.000 lượt người tham dự; lồng ghép tuyên truyền 26.800 lượt trong các buổi cấp căn cước công dân; chủ động phối hợp với cơ quan báo, đài xây dựng hơn 40 phóng sự, đưa gần 200 tin, bài tuyên truyền, cảnh báo về công tác PCCC và CNCH; phát hành đến người dân hơn 140.000 tờ rơi tuyên truyền, khuyến cáo công tác PCCC. Bên cạnh đó, lực lượng Công an tổ chức cho hơn 2.600 hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn ký cam kết bảo đảm công tác PCCC.

 Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra công tác PCCC tại Công ty TNHH một thành viên Tâm Phúc (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Ảnh: Hữu Trường
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra công tác PCCC tại Công ty TNHH một thành viên Tâm Phúc (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Ảnh: Hữu Trường



Trung tá Trịnh Xuân Tuấn-Đội trưởng Đội Tham mưu (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) cho biết: “Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì 2 mô hình an toàn về PCCC, gồm: mô hình liên kết, phối hợp giữa Cảng Hàng không Pleiku và Công an tỉnh đảm bảo an toàn PCCC tại Cảng Hàng không Pleiku; mô hình Công ty TNHH Cao su Mang Yang tự quản về công tác PCCC và CNCH. Công an các địa phương cũng đã hướng dẫn, xây dựng và đưa vào hoạt động 58 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 25 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Tại các buổi ra mắt và đưa vào hoạt động mô hình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đều tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH nhằm nâng cao ý thức người dân về việc đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trong cuộc sống hàng ngày. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 1.480 đội dân phòng tại các thôn, làng, tổ dân phố; qua công tác tuyên truyền đã có gần 6.000 công dân cài đặt ứng dụng báo cháy 114”.

Chấn chỉnh, xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Từ đầu tháng 10-2022 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng Công an các địa phương đã tiến hành rà soát, kiểm tra hơn 10.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các đơn vị đã phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hơn 350 cơ sở không đảm bảo các điều kiện phòng-chống cháy, nổ theo quy định. Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra tại xưởng chế biến gỗ viên nén của Công ty TNHH một thành viên Phúc Khoa (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) thì phát hiện nhiều bất cập, thiếu sót trong công tác PCCC. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống báo cháy của Công ty không hoạt động, một số bình chữa cháy hết hạn. Nhân viên Công ty tiến hành khởi động máy bơm nước chữa cháy nhưng phải sau hơn 20 phút mới hoạt động. Vừa qua, tại Công ty TNHH một thành viên Phúc Khoa đã xảy ra cháy tại một dây chuyền sản xuất, may mắn là thiệt hại về tài sản không lớn.

Theo đánh giá, phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã nêu cao ý thức trong phòng-chống cháy, nổ. Điển hình như xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH một thành viên Tâm Phúc (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Mỗi ngày, Công ty sản xuất hơn 120 tấn gỗ viên nén. Công ty đã trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy, hệ thống báo cháy, máy bơm nước công suất lớn phục vụ chữa cháy đáp ứng theo quy định... Định kỳ, Công ty phối hợp tập huấn và diễn tập phương án chữa cháy và CNCH cho công nhân nhằm chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra. Anh Nguyễn Văn Xuân-nhân viên Công ty-cho biết: Bên cạnh đầu tư các trang-thiết bị máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh, Công ty còn thường xuyên đầu tư hệ thống PCCC. Khi có cháy, nổ xảy ra, công nhân kịp thời phản ứng dập tắt đám cháy, tránh để xảy ra thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn.

Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-thông tin: “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở còn buông lỏng, xem nhẹ công tác PCCC. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh dễ phát sinh cháy, nổ. Vừa kiểm tra, chấn chỉnh, đơn vị vừa kết hợp tuyên truyền để người đứng đầu các cơ sở, doanh nghiệp nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC, qua đó hạn chế xảy ra cháy, nổ. Đặc biệt, giáp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa tiểu thương nhập về để tiêu thụ tăng cao, chỉ một sơ suất nhỏ trong sử dụng nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ. Do đó, chúng tôi khuyến cáo mọi người cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC, luôn thận trọng trong việc sử dụng nguồn nhiệt, đặc biệt là hệ thống điện, tránh để xảy ra các vụ cháy, nổ đáng tiếc”.

 

HỮU TRƯỜNG

Có thể bạn quan tâm