Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa được ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 1.9.
Bộ Tài chính cần quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để không dẫn đến tình trạng đảo nợ, vỡ nợ - Ảnh: Ngọc Thắng |
Một loạt quy định mới về điều kiện phát hành trái phiếu đã được bổ sung. Theo đó, doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, tương ứng mỗi DN chỉ có thể phát hành 1 - 2 đợt mỗi năm. Dù DN có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.
|
Bên cạnh đó, DN phát hành ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu, trừ trường hợp đơn vị phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, tại nghị định mới, tổ chức tư vấn phát hành có nghĩa vụ thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm cho Bộ Tài chính về tình hình tư vấn phát hành trái phiếu DN (TPDN)... Dù vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng vẫn cần giám sát chặt thị trường TPDN bởi hiện tượng vỡ nợ, đảo nợ sẽ tác động xấu đến thị trường tài chính ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị DN vừa và nhỏ, thông thường các DN phát hành trái chiếu chỉ chọn bảo lãnh phát hành vừa để thành công huy động vốn, vừa chịu phí thấp hơn nhiều so với bảo lãnh thanh toán. Vì vậy khả năng thanh toán trái phiếu tùy thuộc vào hoạt động của DN đó trong tương lai và nguy cơ vỡ nợ đều có thể xảy ra khi công ty gặp khó khăn, phá sản.
Tình trạng vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc thời gian gần đây là bài học cho thị trường trong nước. Dù rằng TPDN là một kênh huy động vốn trung dài hạn khá tốt đối với DN, các DN không vay được ngân hàng có thể vay tổ chức, cá nhân khác trong xã hội thông qua việc mua trái phiếu để có thể cải thiện được tình hình tài chính. Thế nhưng với việc phát hành ồ ạt, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ trên thị trường trái phiếu.
DN phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. Trong trường hợp nhà đầu tư sau không tham gia mua TPDN, lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao.
Ông Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính cần quản lý hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ để không dẫn đến tình trạng đảo nợ xảy ra. Bản thân các ngân hàng tham gia bảo lãnh trong các đợt phát hành TPDN cũng cần nêu rõ vai trò của mình, tuân thủ những quy định, đặc biệt trong trường hợp thấy DN thực hiện phát hành TPDN để “đảo nợ”, nếu “thả lỏng” sẽ dẫn đến liên lụy nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các cá nhân tham gia mua trái phiếu sau này.
Theo T.Xuân (thanhnien)