(GLO)- Bây giờ, ai có dịp đi lại trên tỉnh lộ 664, đặc biệt là đoạn đường từ làng Kla 1 đến làng Ia Tong thuộc địa phận xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cũng đều tận thấy: Rất nhiều người thản nhiên điều khiển các loại phương tiện vào đậu đỗ, bốc dỡ vật liệu xây dựng, làm lều trại, đúc trụ tiêu, đổ bê tông, vận chuyển hàng hóa, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại cây trái, hoa màu trong khu vực mốc giới hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Không chỉ có vậy, có người còn mạo hiểm đứng trên ô tô tải, cầm các loại cây kim loại giơ lên cao (cách đường dây điện cao áp khoảng 4 mét), bốc xếp trụ tiêu, hàng hóa... Những hành vi đó đã vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, làm tăng khả năng xảy ra sự cố mất điện và gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.
Thực trạng sản xuất và vận chuyển trụ tiêu dưới đường điện cao áp tại làng Kla 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Ảnh: H.C |
Nghị định số 14 ngày 26-2-2014 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện” nêu rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 4) là thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện; trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác... Khoản 4, Điều 51 của Luật Điện lực là khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp là 6 mét đối với điện áp 220 kV, 8 mét đối với điện áp 500 kV. Đối với đường dây điện ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây trồng theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn điện thấp nhất khi đang ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn khoảng cách quy định là 4 mét đối với điện áp 220 kV, 6 mét đối với điện áp 500 kV.
Trao đổi với những người làm nghề đúc trụ tiêu, gieo trồng các loại cây ở dưới đường điện cao áp thuộc địa phận xã Ia Dêr thì ai cũng có hiểu biết là vi phạm các quy định của pháp luật, tiềm ẩn mất an toàn và rất nguy hiểm đến tính mạng, nhất là mỗi khi trời mưa, có sấm sét. Anh Rơ Châm Jih-người bốc vác trụ tiêu ở làng Kla 1 nói: “Mình biết vi phạm quy định, mình sợ nguy hiểm chết người, nhưng do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm nên phải làm việc dưới đường điện cao áp nguy hiểm”. Thừa nhận thực trạng vi phạm an toàn lưới điện cao áp tại làng Kla 1 và làng Ia Tong, ông Ksor Bơ-Chủ tịch UBND xã Ia Dêr cho biết: Xã Ia Dêr có nhiều đường điện cao thế đi qua địa bàn. Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý lưới điện đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Hoàng Cư