Sức khỏe

Cảnh báo về các sản phẩm Halal tại thị trường Indonesia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai vừa có công văn cảnh báo gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến dự thảo quy định của Chính phủ Indonesia về việc thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal.

Theo đó, ngày 31-10-2024, Indonesia đã gửi thông báo đến các nước thành viên WTO dự thảo Quy định số 42 năm 2024 của Chính phủ nước này về việc thực hiện đảm bảo các sản phẩm Halal tại thị trường Indonesia. Quy định này là bản sửa đổi của Quy định số 8839 năm 2021 đã được thông báo trước đó.

z4113544477798-da375f7f383bdb98f30561f07f90e1d7.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quy định mới của Chính phủ Indonesia nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm được người Indonesia tiêu thụ, đặc biệt là người Hồi giáo, phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal và mang đến cho người tiêu dùng sự chắc chắn về các sản phẩm Halal trên thị trường.

Các điều khoản chính được quy định trong Quy định số 42 năm 2024 của Chính phủ Indonesia bao gồm: Cơ quan thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal (BPJPH) có trách nhiệm quản lý hệ thống Đảm bảo sản phẩm Halal, đảm bảo tuân thủ tất cả các sản phẩm được chứng nhận.

Địa điểm, cơ sở vật chất và thiết bị cho quy trình sản phẩm Halal (PPH) phải khác biệt với những địa điểm, cơ sở và thiết bị được sử dụng cho các quy trình không phải Halal. Điều này bao gồm việc tách biệt các khu vực giết mổ, chế biến, bảo quản, đóng gói, phân phối, bán hàng và trưng bày.

Về thủ tục đăng ký và gia hạn chứng nhận Halal, BPJPH xử lý đơn xin cấp chứng nhận Halal mới và gia hạn, đảm bảo sản phẩm duy trì sự tuân thủ theo thời gian.

Các quy trình chứng nhận Halal đơn giản hóa được cung cấp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn Halal của BPJPH. Các sản phẩm được coi là Halal phải có nhãn Halal; trong khi các sản phẩm không phải Halal thì phải có thông tin không Halal rõ ràng trên bao bì.

BPJPH hợp tác với nhiều Bộ khác nhau (Công nghiệp, Thương mại, Y tế, Nông nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) và các cơ quan Chính phủ có liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý giám sát thực phẩm và dược phẩm, tiêu chuẩn hóa, đánh giá tuân thủ, công nhận, LPH và Hội đồng Ulema Indonesia (MUI).

Về chứng nhận và đăng ký sản phẩm nhập khẩu, các sản phẩm nước ngoài phải trải qua chứng nhận Halal và đăng ký để được bán ở Indonesia.

Chỉ định các danh mục sản phẩm phải có chứng nhận Halal, nêu chi tiết các giai đoạn chứng nhận Halal cho tất cả các sản phẩm được phân phối và bán ở Indonesia.

Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị nếu có góp ý với dự thảo Quy định trên đề nghị phản hồi trực tiếp về Văn phòng TBT Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề tương ứng hoặc gửi về Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) để tổng hợp phản hồi về Văn phòng TBT Việt Nam gửi phía Indonesia xem xét, tiếp thu. Thời gian phản hồi chậm nhất trước ngày 10-12-2024.

Có thể bạn quan tâm