Biển Đồng Châu với bãi nuôi ngao thu hút các tay săn ảnh cả khi thuỷ triều lên hay nước cạn.
Bãi nuôi ngao được quây trên vùng đất bùn pha cát thoai thoải trải dài. Khi thủy triều xuống, những cánh đồng ngao ngập dưới nước loang loáng, ôm lấy những chòi canh cao lớn tạo nên khung cảnh hoang sơ và bình dị.
Người cào ngao ở Đồng Châu (huyện Tiền Hải, Thái Bình) thường chọn thời điểm khi thủy triều xuống để bắt đầu công việc, thường từ sáng sớm hoặc sẩm chiều. Lúc này nắng không gay gắt và mát mẻ.
Mỗi buổi làm việc phụ thuộc hoàn toàn vào mực thủy triều lên xuống. Chỉ khi nước rút, các bãi nuôi ngao lộ ra, lúc ấy mọi công việc mới được bắt đầu.
Đồng Châu không phải bãi biển đẹp để khai thác du lịch nhưng lại là nơi tuyệt vời để canh tác và nuôi trồng ngao. Bóng dáng những người phụ nữ cào ngao trải dài trên cánh đồng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia.
Những chiếc thuyền chở ngao đậu im lìm, dập dềnh theo con lạch lớn tạo nên một khung cảnh thanh bình và thơ mộng trên cánh đồng.
Ngày nay, thay vì cào ngao bằng phương pháp truyền thống, nhiều người đã chuyển sang khai thác ngao bằng cách phun nước trực tiếp lên bãi ngao. Phun nước như thế này sẽ nhanh, không tốn nhiều công và tiết kiệm kinh phí hơn với cách bắt ngao truyền thống.
Những con ngao trắng ngần dần hiện lên dưới lớp cát, lúc này những người khai thác sẽ dùng lưới để quây rồi thu hoạch.
Mỗi bãi ngao được nuôi trong vòng 15 tháng sẽ bắt đầu thu hoạch. Trung bình mỗi bãi ngao sau khi thả 10 tấn ngao giống sẽ cho thu hoạch 50 tấn.
Để thu hoạch một ruộng ngao rộng lớn, chủ nuôi sẽ phải cần đến 30 người làm thuê liên tục trong một ngày.
Mỗi người sẽ được trả 300.000 đồng cho một ngày công thu hoạch ngao. Nếu chăm chỉ, mỗi người dân tại đây có thể kiếm được hàng triệu đồng một vụ từ cào ngao thuê.
Mỗi một cân ngao được bán với giá buôn 9.000 đồng. Tuy vất vả nhưng nghề ngao mang lại cho nông dân nơi đây khoản thu nhập khá cao.
Ngao sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển ra thuyền lớn để chuyển đi tiêu thụ.
Giang Huy/VNE