Chính trị

Tin tức

Cảnh giác trước âm mưu "Diễn biến hòa bình"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nếu ngày xưa, cha ông ta thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc đánh đổi xương máu để giành độc lập dân tộc thì ngày nay lòng yêu nước lại được thể hiện ở việc mỗi người con mang dòng máu Việt Nam tự tin chung sức phấn đấu xây dựng một đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, kèm theo đó là những sự khác biệt về ý thức của một bộ phận dân cư đã và đang tạo điều kiện cho những phần tử cực đoan thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chống phá khối đại đoàn kết của dân tộc ta. Với những chiêu thức ngày càng tinh vi và thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, vấn đề này ngày càng trở nên nhạy cảm và đáng quan tâm.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, khi Quốc hội tiến hành họp dự kiến thông qua 2 dự án luật (Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng), các thế lực phản động đã lợi dụng kích động nhân dân nhằm thực hiện âm mưu chống phá. Chúng kích động người dân thực hiện hoạt động biểu tình, tuần hành. Đồng thời, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số cán bộ, công chức, viên chức nhằm tuyên truyền sai sự thật. Bên cạnh đó, sử dụng mạng xã hội làm công cụ đắc lực truyền tải các thông tin phản động, bịa đặt sai sự thật. Riêng với mạng xã hội, tuy là ảo, nhưng tác động của nó tới người đọc lại là thật. Hơn nữa, tốc độ lan truyền cực kỳ nhanh chóng. Biết được điều này, các thế lực thù địch thực hiện rất nhiều các bài viết, phóng sự hoặc video mang yếu tố phản bác, đả kích nội dung 2 dự luật trên các website, tài khoản facebook một cách công khai.

Trước những thủ đoạn trên, đối với các vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng (đã được thông qua) và dự luật Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, chúng ta phải hết sức cảnh giác và có các biện pháp nhằm chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc ta. Với trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu đặt ra lúc này là cần hiểu và nắm rõ những nội dung cần quan tâm để có hành động đúng đắn.

Thứ nhất, quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ bắt buộc phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, công khai, minh bạch, mà còn phải “bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật” (theo Khoản 6, Điều 5, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015). Do vậy, việc đưa các dự luật để thảo luận, bàn bạc, lấy ý kiến là hoàn toàn chính xác. Dựa trên ý kiến của dư luận, của công dân, Đảng và Nhà nước sẽ cân nhắc việc ban hành luật trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (theo Khoản 5, Điều 5, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015). Hoàn toàn không có yếu tố “hạn chế quyền tự do dân chủ” của nhân dân như các trang báo phản động đề cập đến.

Thứ hai, việc thể hiện lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam là luôn đáng được trân trọng, thể hiện ý kiến cá nhân của công dân cũng là hợp pháp, đảm bảo quy định về quyền tự do ngôn luận của công dân (theo Điều 25, Hiến pháp 2013). Tuy nhiên, cách thể hiện lòng yêu nước như thế nào mới là điều quan trọng nhất. Những hành vi quá khích như đập phá trụ sở, tài sản của cơ quan nhà nước, hay đánh người thi hành công vụ đã diễn ra trong thời gian qua đều đáng bị lên án. Bởi lẽ, theo pháp luật Việt Nam, những hành vi này đều được xem là các hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng các chế tài tương ứng. Do đó, mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn, tránh bị lợi dụng để thực hiện những hành động sai lệch.

Thứ ba, không gian mạng là một thế giới ảo với tốc độ lan truyền cực kỳ nhanh. Do đó, nó luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Việc nhận thức không đúng vấn đề, thực hiện truyền tải các nội dung độc hại, sai sự thật thông qua mỗi cú click chuột của mỗi người dân sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tay cho âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thực hiện chống phá nước ta.

Sự đoàn kết chính là biểu thị lòng yêu nước của toàn dân không phân biệt già trẻ, giới tính, giàu sang, hèn kém cần thiết hơn bao giờ hết nhằm đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước ta chống lại các thế lực thù địch, bảo vệ hòa bình cho Tổ quốc. Để thực hiện được điều đó, trước hết mỗi người dân cần nghiêm túc nhìn nhận, suy xét mọi vấn đề một cách thấu đáo trước khi quyết định thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

TS. Nguyễn Thái Bình

Có thể bạn quan tâm