Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cảnh giác trước luận điệu sai trái về việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với hàng loạt chức danh do Quốc hội, HĐND bầu.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai kịp thời không chỉ có ý nghĩa tham khảo, góp phần đánh giá cán bộ mà còn có giá trị phục vụ việc bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Thế nhưng, các lực lượng “khoác áo dân chủ” lại coi đây là một tiêu điểm để xuyên tạc đường lối, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Sau đó, ngày 23-6-2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Thế nhưng, các thế lực thù địch lại lấy hiện tượng sai sự thật để xuyên tạc bản chất đúng đắn của Quy định số 96-QĐ/TW và Nghị quyết số 96/2023/QH15. Theo đó, các thế lực thù địch cho rằng mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là “chiêu trò mị dân”, chỉ là “việc của Đảng và những người đảng viên trong Đảng không liên quan tới Nhân dân” để nhằm mục tiêu “loại trừ lẫn nhau”, “thanh toán các thế lực, phe cánh, nhóm phái đối lập trong Đảng”, để “xử lý các phần tử không theo hệ thống chung” và từ đó cho thấy “Đảng không tin vào chính mình” và “Đảng toàn trị nhưng không đủ năng lực cầm quyền” hay “Đảng làm lu mờ và vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền”.

Thực chất, luận điệu nêu trên là nhằm đánh tráo khái niệm, xuyên tạc bản chất của Quy định số 96-QĐ/TW và Nghị quyết số 96/2023/QH15. Qua đó nhằm thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, hệ thống chính trị. Âm mưu sâu xa, nham hiểm của chúng là làm xói mòn, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Bất chấp những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta không thể phủ nhận tính đúng đắn của Quy định số 96-QĐ/TW và Nghị quyết số 96/2023/QH15.

Bởi lẽ, công tác cán bộ được xem “là công việc gốc của Đảng”, là nhân tố quyết định trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, công tác cán bộ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từ khâu phát hiện, tuyển chọn, bố trí, phân công, phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Xuất phát từ vị trí “then chốt của then chốt”, công tác cán bộ ngày càng được coi trọng hơn, có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất kể người đó là ai; không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Các đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Ảnh: Đức Thụy

Các đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Ảnh: Đức Thụy

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường trực tỉnh ủy/thành ủy, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy/thành ủy và người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Đây cũng là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay.

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để thực hiện tốt hơn các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác để hoàn thiện bản thân, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm, bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW và Kế hoạch số 16-KH/TW của Bộ Chính trị, đồng thời là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình của Đảng.

Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ thể hiện Đảng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, đồng thời nỗ lực khắc phục những yếu kém trong tổ chức Đảng.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tự phê bình và phê bình là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền, lãnh đạo xây dựng đất nước thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực tế đã chứng minh, ở đâu, giai đoạn nào, dù hoàn cảnh có khó khăn gian khổ đến mấy nhưng tự phê bình và phê bình được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả thì ở đó, giai đoạn đó, tổ chức Đảng phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu.

Và ngược lại, ở nơi nào, thời điểm nào tự phê bình và phê bình không được tiến hành thường xuyên hoặc làm qua loa, hình thức là ở đó mất dân chủ, nội bộ mất đoàn kết, tổ chức Đảng không còn phát huy được vai trò lãnh đạo của mình.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc tiêu cực, tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã được Đảng ta chỉ ra trong thời gian qua là do tự phê bình và phê bình trong nội bộ ít được quan tâm, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng không được đề cao. Nhiều trường hợp thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, tổ chức Đảng yếu kém, không phát huy được vai trò lãnh đạo của mình.

Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đày tớ thật trung thành của Nhân dân, lấy phục vụ Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân làm tôn chỉ; dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Do đó, từ thành công của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn từ trung ương đến các tỉnh, thành trên cả nước đã cho thấy: Đảng ta luôn tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ. Đây là “hòn đá thử vàng” đối với mỗi cán bộ cấp cao của Đảng; đồng thời cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác cán bộ. Phát huy dân chủ chính là mục tiêu, đồng thời là động lực của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm trước Nhân dân, sẵn sàng để Nhân dân đánh giá, kiểm tra, giám sát, góp ý; từ đó, tiến hành sàng lọc đảng viên, để Nhân dân giới thiệu cho Đảng những nhân tố mới, tiêu biểu.

Bên cạnh đó, thông qua mối quan hệ mật thiết với Nhân dân để Đảng phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho thấy, những quan điểm đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là sai trái, phản động và hết sức nguy hiểm. Việc đấu tranh bảo vệ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là chính đáng, chính nghĩa và phù hợp với nguyện vọng, sự tin tưởng của Nhân dân.

Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cao, luôn hết lòng vì nước, vì dân đã, đang và sẽ luôn là mục tiêu, quyết tâm lãnh đạo của Đảng ta.

Hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn khẳng định công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái là trực tiếp phục vụ cho việc lãnh đạo thực hiện những mục tiêu cao cả của sự nghiệp cách mạng. Đấu tranh chống quan điểm sai trái cũng chính là sự khẳng định lập trường của Đảng và Nhà nước ta trước những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước, từ đó củng cố nhận thức chính trị, giữ vững thế trận lòng dân, đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn.

Đó cũng chính là minh chứng thuyết phục nhất, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm