(GLO)- Chỉ vì mất cảnh giác mà nhiều người dân ở huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) bị một số đối tượng chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng qua trang cá nhân Facebook.
Đầu tháng 3-2021, Công an huyện Đak Đoa tiếp nhận đơn trình báo của chị N.T.D. (xã Tân Bình) về việc bị một đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt 222 triệu đồng. Theo đơn trình báo, vào giữa năm 2020, một tài khoản Facebook mang tên Rajan nhắn tin giới thiệu tên là Vitorgo, quốc tịch Tây Ban Nha đang làm việc tại Đức và muốn làm quen với chị D.
Sau một thời gian nhắn tin qua lại, đầu tháng 2-2021, Vitorgo thông báo cho chị D. biết mình sắp sang Việt Nam và sẽ gửi hành lý qua trước. Vì vậy, Vitorgo xin thông tin cá nhân của chị D. để nhờ nhận giùm và được chị đồng ý.
Đến ngày 17-2, chị D. nhận được điện thoại từ một người phụ nữ giới thiệu tên Nhung là nhân viên của Công ty chuyển phát quốc tế Việt thông báo về việc có một kiện hàng từ nước ngoài gửi về, yêu cầu đóng các khoản phí vào một tài khoản cá nhân do Nhung cung cấp để nhận hàng.
Cùng thời điểm trên, chị D. nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook mang tên Rajan với nội dung trong hành lý có 250.000 USD và nhờ chị đóng các khoản phí, khi lấy lại hành lý sẽ trả lại tiền sau. Từ ngày 18-2 đến 5-3, chị D. đã 6 lần chuyển tiền vào tài khoản VietinBank mang tên T.Q.K. với số tiền 222 triệu đồng theo yêu cầu của các đối tượng.
Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 6-3, chị D. tiếp tục nhận được điện thoại của một phụ nữ giới thiệu tên Duyên tự xưng là nhân viên Hải quan TP. Hồ Chí Minh yêu cầu đóng thêm các khoản phí để hoàn tất các thủ tục nhận hàng. Nghi ngờ mình đã bị các đối tượng lừa đảo, chị D. đến Công an huyện Đak Đoa trình báo. Cũng từ đó, tài khoản Facebook mang tên Rajan đã bị khóa.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: Từ tháng 12-2020 đến ngày 15-5-2021, Công an huyện đã tiếp nhận 9 đơn trình báo của người dân liên quan đến các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook. Trong đó, nhiều nhất là các vụ lừa đảo vay mượn tiền sau khi đối tượng đã chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, tổng thiệt hại trong các vụ án hơn 400 triệu đồng.
“Để phòng tránh, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với những tài khoản Facebook từ nước ngoài kết bạn làm quen và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cũng như việc đồng ý nhận giúp hàng, tiền từ nước ngoài gửi về. Bên cạnh đó, khi nhận được tin nhắn qua messenger của người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền thì cần kiểm tra, gọi điện để xác nhận, không vì sự hối thúc mà mất cảnh giác dẫn đến bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản”-Thiếu tá Lê Anh Tuấn khuyến cáo.
Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, thông qua mạng xã hội, các đối tượng trong nước đã cấu kết với người nước ngoài để lừa đảo. Những tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp cho nạn nhân đều được mở bằng giấy chứng minh nhân dân giả. Khi rút tiền, các đối tượng giao dịch ở nước ngoài thông qua các tài khoản thanh toán quốc tế nên khó xác định được đối tượng phạm tội. Đây không phải là phương thức thủ đoạn mới của tội phạm, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần khuyến cáo nhưng người dân vẫn mất cảnh giác nên bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
LÊ ANH