Bạn đọc

Cảnh giác với nhiều thủ đoạn lừa đảo, trộm cướp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng lừa đảo, trộm cướp đã dùng nhiều chiêu trò để chiếm đoạt tiền và tài sản của người dân.

Do cuộc sống chật vật, dù đã cố gắng vay mượn bạn bè làm chung công ty nhưng ai cũng đang gặp khó khăn nên chị N.B.N (SN 1990, quê Long An) đành lên nhóm Facebook G.N.M.D cầu cứu cộng đồng mạng. Thế nhưng, người giúp thì ít mà nhắn tin quấy rối thì nhiều.

Vờ giúp đỡ để lừa đảo

"Tôi mừng rỡ khi thấy tài khoản ngân hàng được chuyển vào 100.000 đồng, dự định sẽ mua sữa cho con. Rồi bỗng dưng trong tin nhắn Facebook của tôi có một phụ nữ nói muốn giúp đỡ tiền trọ và tiền mua sữa cho con. Sau khi yêu cầu tôi chứng minh đủ thứ, người này gửi tôi một đường link. Tôi nhận được mã OTP, nhập vào với hy vọng nhận được tiền. Không ngờ, khi hoàn thành xong, số tiền 100.000 đồng trong tài khoản của tôi cũng bốc hơi" - chị N. chua chát kể.

Cũng với chiêu thức này, chị Lê Ánh Linh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM) bị lừa mất hơn 5 triệu đồng. Do nơi ở bị phong tỏa hơn 1 tháng, xóm nghèo thật sự khó khăn, chị lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ từ nhiều nguồn. Một số điện thoại với đầu số gọi từ nước ngoài tự xưng đang sống tại Mỹ, muốn ủng hộ 500 USD để mua gạo, thực phẩm cho bà con và chụp biên nhận đã chuyển tiền. Ít ngày sau, người này gọi điện cho chị Linh thông báo do dịch bệnh không thể gửi tiền bằng hình thức giao nhận trực tiếp nên sẽ gửi qua dịch vụ chuyển khoản và yêu cầu chị Linh làm theo các bước. Sau 10 phút, số tiền trong tài khoản của chị Linh mất sạch. "Dịch bệnh, còn ít tiền tích góp nay mất sạch. Tôi không nghĩ sao có người nhẫn tâm lấy tiền của người gặp khó khăn ngay thời điểm này" - chị Linh bức xúc.

 

 Ba đối tượng cướp giật tài sản bị Công an TP Thủ Đức bắt giữ. Ảnh: SỸ HƯNG
Ba đối tượng cướp giật tài sản bị Công an TP Thủ Đức bắt giữ. Ảnh: Sỹ Hưng



Những ngày TP HCM và nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, trên mạng xã hội xuất hiện dòng tin nhắn: "Để lại số điện thoại và kết bạn Zalo, chúng tôi sẽ tặng mỗi hoàn cảnh khó khăn 500.000 đồng". Tuy nhiên, chiêu trò này nhanh chóng bị "bóc mẽ" là lừa đảo, lấy số điện thoại để thực hiện mục đích khác.

Mới đây, chị Thanh Ngọc (SN 1993, quê Đồng Tháp) đăng lên Facebook cảnh báo cộng đồng mạng chiêu lừa đảo mua bán hàng. Chị Ngọc kể chị muốn mua bánh tét để tặng cho người già và công nhân gặp khó khăn. Một nick Facebook vào làm quen, giới thiệu có bánh chưng nhà làm với giá mềm. Tin lời, chị chuyển khoản đặt cọc 10 triệu đồng, hẹn thời gian, địa điểm giao bánh. Đến điểm hẹn thì chị bị cho "leo cây", kẻ nhận tiền khóa máy, chặn Facebook.

Cảnh giác với trộm cướp

Công an quận Tân Bình (TP HCM) vừa tạm giữ hình sự Nguyễn Phú Thịnh (SN 1989, quê Bạc Liêu) để điều tra, xử lý về hành vi cướp tài sản. Khoảng 10 giờ 44 phút ngày 5-8, thấy cửa hàng sữa TH True Milk trên đường Cộng Hòa chỉ có chị L.H.N (SN 1996) và anh T.M.T (SN 2000, nhân viên cửa hàng) đang bán hàng, Thịnh đi vào mua nhiều lốc sữa rồi rút dao uy hiếp, buộc đưa hết tiền. Chị N. nhanh trí lùi lại phía sau gọi điện cầu cứu công an. Thịnh lên xe tẩu thoát nhưng bị công an và lực lượng chốt phòng chống dịch ở ngã tư Quốc lộ 1A - Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12) bắt giữ vào chiều cùng ngày.

Công an phường Tam Bình (TP Thủ Đức) cũng đã hoàn tất hồ sơ bàn giao Nguyễn Minh Thiện (SN 1983, quê Cà Mau) cho Công an TP Thủ Đức điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Khoảng 5 giờ ngày 30-7, Thiện lảng vảng khắp khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức để trộm cắp tài sản. Khi đi ngang bãi xe trên Quốc lộ 1 (phường Tam Bình), thấy chiếc xe máy có gắn chìa khóa trên xe không có người trông coi, Thiện lấy trộm. Khi Thiện đi đến chốt kiểm soát trên Tỉnh lộ 43 giáp với đường Ngô Chí Quốc, phường Tam Bình, tình cờ anh T.H.T (ngụ TP Thủ Đức) thấy xe của mình có người lạ đang đi nên đuổi theo chặn đầu xe và nhờ một số người hỗ trợ đưa Thiện cùng phương tiện giao cho công an.

Trước đó, ngày 7-7, đối tượng SăkRyza (SN 1995, ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) rủ Tú (chưa rõ lai lịch) đi từ Bình Dương lên TP Thủ Đức để cướp tài sản. Khi đến Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, thấy chị N.T.N.Q điều khiển xe máy chở con gái đi trên đường, cả hai áp sát giật điện thoại. Anh B.P.K (SN 1984) chạy xe máy phía sau phát hiện toàn bộ hành vi của 2 tên cướp liền xông vào khống chế bắt được SăkRyza.

Theo Công an TP Thủ Đức, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn trộm cắp và cướp giật tài sản trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ngoài những vụ trộm cắp táo tợn, thời gian qua còn có đối tượng giả mạo nhân viên y tế nói vào lấy mẫu xét nghiệm hoặc tiêm vắc-xin tại nhà rồi thực hiện hành vi gây mê cướp tài sản; đưa thông tin sai sự thật, giả mạo lên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản…

 


Cẩn thận trước khi giao dịch

Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), khuyến cáo người dân cần cẩn thận trước khi giao dịch về tiền với người khác, đặc biệt là trên không gian mạng. Không nên trò chuyện, chuyển tiền cọc mua bán hàng qua mạng với người không quen biết để tránh bị lừa đảo. "Hiện nay, kẻ gian sử dụng rất nhiều thủ đoạn để lừa đảo, chỉ cần sơ hở nhấp vào đường link và làm theo thao tác là tiền trong tài khoản bị chuyển đi sạch. Nếu muốn giao dịch về tiền, tốt hơn hết phải biết rõ người mình đang nói chuyện, đang mua bán, không nên cả tin để tránh tiền mất mà chuốc thêm bực bội vào người" - thiếu tá Nguyễn Chí Thanh nói.


Theo Phạm Dũng - Sỹ Hưng - Lê Phong (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm