Pháp luật

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo vay vốn kinh doanh, đáo hạn ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều đơn tố giác liên quan đến hoạt động cho vay, mượn tiền để kinh doanh, đáo hạn ngân hàng. Trong đơn, nhiều người tố cáo đã bị đối tượng là người quen lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền lớn, có trường hợp lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngày 15-2, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) tiến hành bắt giữ đối tượng truy nã Dương Thị Thanh (SN 1950, trú tại huyện Cẩm Thủy) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, đối tượng Thanh đăng ký tạm trú tại tổ 7 (thị trấn Đak Đoa) từ tháng 3-2020. Trong quá trình sinh sống và buôn bán nhỏ ở Trung tâm Thương mại huyện Đak Đoa, đối tượng này “nổ” rằng có một số người làm ăn lớn cần vốn đáo hạn ngân hàng nên đặt vấn đề với người quen để vay mượn tiền và hứa trả lãi suất cao. Từ tháng 6 đến tháng 11-2021, đối tượng đã vay mượn tổng cộng 13,9 tỷ đồng của 4 cá nhân trên địa bàn huyện Đak Đoa. Đến hạn trả nợ, đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm, qua quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và ra quyết định truy nã.

Đối tượng Dương Thị Thanh (ảnh cơ quan Công an cung cấp).

Đối tượng Dương Thị Thanh (ảnh cơ quan Công an cung cấp).

Trước đó, vào tháng 10-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng đã ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Quang (SN 1989, trú tại TP. Pleiku) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Quang quen biết với chị T.T.B. (trú tại TP. Pleiku) vì có thời gian giới thiệu nhiều người vay tiền chị này để đáo hạn ngân hàng. Quang nói với chị B. có 2 người bạn của mình là N.T.L.T.Đ. và M.P.T.U. cần vay mỗi người 1 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng. Sau khi chị B. chuyển tiền cho chị U. vay thì Quang nhờ chị U. chuyển 412 triệu đồng cho một người tên M. (chủ nợ của Quang), 588 triệu đồng còn lại chuyển vào tài khoản của Quang. Tương tự, sau khi nhận tiền từ chị B, chị Đ. chuyển hết số tiền 1 tỷ đồng vào tài khoản của một người tên D. (chủ nợ của Quang). Đến ngày trả nợ, bị chị B. đòi số tiền lãi và gốc, Quang bàn bạc với Đ. và U. nói dối không ký được hồ sơ giải ngân vay vốn ngân hàng. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị B. liên hệ thì biết Đ. và U. không đáo hạn tại ngân hàng nên làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh.

Qua các vụ việc cho thấy, cả người vay và cho vay đều có mối quan hệ quen biết và từng có thời gian làm ăn với nhau. Các đối tượng vay mượn thường tạo lòng tin với bị hại bằng vỏ bọc có nhà lầu, xe hơi hoặc cửa hàng kinh doanh lớn. Khi vay tiền, đối tượng chấp nhận chi trả khoản tiền hoa hồng cao. Thậm chí, để các nạn nhân tin tưởng cho vay tiền, các đối tượng sẵn sàng trả tiền lãi trước. Tuy nhiên, sau khi đã huy động được số tiền lớn, các đối tượng tìm cách trì hoãn hoặc bỏ trốn khỏi địa phương. Điều đáng nói là khi các nạn nhân tố giác, qua xem xét hồ sơ, cơ quan Công an nhận thấy hầu hết hợp đồng cho vay đều bằng giấy thỏa thuận viết tay giữa hai bên, không có tài sản thế chấp để đảm bảo.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang khẩn trương tiến hành xác minh các vụ việc để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của đơn vị này, để tránh “sập bẫy” đối tượng xấu, người dân cần nâng cao cảnh giác và nên đầu tư vào các tổ chức tín dụng hợp pháp. Trường hợp cho vay mượn tiền thì phải có hợp đồng công chứng và tài sản thế chấp theo luật định.

Có thể bạn quan tâm