(GLO)- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những thủ đoạn rất tinh vi. Vì chủ quan, thiếu cảnh giác và nhẹ dạ cả tin mà nhiều người đã bị lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Đủ chiêu trò lừa đảo
Cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Văn Sa (SN 1985, trú tại xã Ia Din, huyện Đức Cơ) 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo hồ sơ vụ án, tháng 7-2019, Sa đến dịch vụ cầm đồ tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku) thuê xe ô tô tự lái BKS 61A-212.21 nhãn hiệu HYUNDAI với giá 18 triệu đồng/tháng. Đến tháng 9-2020, Sa lên mạng xã hội Zalo liên hệ với một đối tượng (không rõ lai lịch) đặt làm các loại giấy tờ giả cho chiếc xe với giá 5 triệu đồng. Sau đó, Sa dùng giấy tờ giả cùng chiếc ô tô đã thuê thế chấp tại một cơ sở cầm đồ trên đường Lê Duẩn (phường Trà Bá, TP. Pleiku) lấy 180 triệu đồng. Đến hạn, Sa không trả tiền lãi, tiền gốc khiến chủ tiệm nghi ngờ. Khi kiểm tra và phát hiện giấy tờ xe là giả, người này đã làm đơn tố giác. Ngày 28-8-2020, Sa bị Cơ quan Điều tra Công an tỉnh bắt giữ.
Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra không chỉ giữa người có mối quan hệ quen biết ngoài xã hội mà với cả người thân trong gia đình. Điển hình như vụ việc mà Tòa án nhân dân tỉnh vừa thụ lý và đang trong quá trình bổ sung hồ sơ để đưa ra xét xử. Theo đó, N.T.H. (trú tại thị trấn Chư Prông) do cần số tiền gần 4 tỷ đồng để trả nợ các khoản vay cá nhân nên tiếp tục đi vay. Để tạo lòng tin, H. đưa ra thông tin cần tiền để đáo hạn ngân hàng cho người khác và sẽ trả lãi suất cao. Bằng thủ đoạn này, H. đã chiếm đoạt của nhiều người trên địa bàn huyện Chư Prông với số tiền gần 10 tỷ đồng. Trong số các nạn nhân của H. có cả người chị ruột với số tiền bị chiếm đoạt là 3,2 tỷ đồng.
Cơ quan Điều tra Công an tỉnh thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Chu Nữ Diệu Huyền về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Văn Ngọc |
Ngoài các vụ việc trên, từ đầu năm đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh còn thụ lý 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng-Chánh tòa Hình sự-cho hay: “Các đối tượng thường đưa ra mức lãi suất cao và thanh toán sòng phẳng đến khi có sự tin tưởng của bị hại thì chiếm đoạt số tiền lớn. Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng sự nôn nóng của bị hại về tìm kiếm việc làm cho con em mình và dùng thủ đoạn giới thiệu bản thân có quan hệ rộng để lừa đảo xin việc, sau đó chiếm đoạt tài sản của bị hại. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lừa đảo cả người thân và thuê làm các giấy tờ giả mạo để thực hiện các hành vi phạm tội”.
Tin người ảo mất tiền thật
Thời gian qua, Công an tỉnh nhận được nhiều đơn tố giác về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn như: mời tham gia góp vốn đầu tư trên các sàn Forex (sàn giao dịch ngoại hối); mời đầu tư tài chính dưới hình thức đánh bạc trực tuyến; gọi điện thông báo nạn nhân nợ hóa đơn tiền điện, bị phạt nguội do vi phạm Luật Giao thông Đường bộ; vay mượn tiền sau khi chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook của các cá nhân; nhờ nộp phí nhận giúp hàng, tiền từ nước ngoài gửi về… Toàn tỉnh đã ghi nhận 8 bị hại, bị chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng bằng thủ đoạn mời tham gia góp vốn đầu tư trên các sàn Forex; 1 trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc mời đầu tư tài chính dưới hình thức đánh bạc trực tuyến với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Hữu Sang bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Ngày 21-6, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Sang (SN 1995, trú tại phường Đống Đa, TP. Pleiku) 3 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, Sang chiếm dụng quyền sử dụng trang Facebook của 6 người khác rồi giả danh chủ tài khoản để nhắn tin mượn tiền. Với thủ đoạn này, Sang đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại với số tiền 220 triệu đồng.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an tỉnh khuyến cáo người dân không được cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã xác nhận giao dịch OTP; không tham gia đầu tư tài chính trực tuyến vào các sàn giao dịch, công ty tài chính không rõ nguồn gốc. Hạn chế truy cập các trang web lạ, không chia sẻ thông tin, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet… của cá nhân và người thân trong gia đình lên các trang mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, tuyệt đối không chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Cảnh giác đối với những tài khoản Facebook từ nước ngoài kết bạn làm quen cũng như việc nhận giúp hàng, tiền từ nước ngoài gửi về. Bên cạnh đó, khi nhận được tin nhắn qua messenger của người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền thì cần kiểm tra, gọi điện để xác nhận.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2020. |
LÊ ANH