Dù sự việc xảy ra cách đây hơn 1 tháng nhưng anh N.V.S. (trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại chuyện suýt trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Anh S. kể: “Hôm đó, tôi đi từ dưới nhà bếp lên thì nghe điện thoại đổ chuông. Nghe xong cuộc điện thoại mới biết tội phạm lừa đảo lập một trang Facebook mới y hệt trang cũ của tôi và sử dụng messenger nhắn tin mượn tiền rất nhiều người. Thậm chí, chúng còn gọi video cho người ta bằng công nghệ ảo. Chưa kể, chúng còn lập một tài khoản ngân hàng mang tên tôi và đề nghị chuyển tiền cho mượn vào tài khoản đó. Cũng may mà hôm đó tôi phát hiện sớm rồi cảnh báo cho mọi người chứ không thì hậu quả khôn lường”.
Lãnh đạo Công an tỉnh và các đơn vị hội ý nghiệp vụ chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: Nông Hòa |
Không may mắn như anh S, chị N.T.T. (trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đã “sập bẫy” lừa đảo trên không gian mạng với số tiền hơn 150 triệu đồng. Chuyện là, chị T. nhận được điện thoại thông báo tặng một phần quà giá trị do trước đó mua hàng tại siêu thị điện máy. Cả tin, chị T. làm theo lời hướng dẫn, tải app Telegram về điện thoại để tiện cho việc liên lạc sau này. Tải app thành công, chị T. nhiều lần nhấn vào các đường link để chọn quà tặng với số tiền từ 10 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng. Đối tượng cũng yêu cầu chị T. gửi số tài khoản ngân hàng rồi gửi lại chị một số tiền để tạo lòng tin. Tiếp đó, các đối tượng dẫn dụ chị T. chuyển số tiền lớn để đầu tư với lợi nhuận 40-60%. Chị T. đã làm theo và có ngày 10 lần sử dụng tài khoản riêng của mình để chuyển hơn 150 triệu đồng.
“Ban đầu, tôi nộp vào 4 triệu đồng, hưởng tiền hoa hồng 2 triệu đồng, rồi tăng dần lên. Khi tôi chuyển số tiền hơn 150 triệu đồng thì chúng không chuyển lại mà còn bảo cứ nộp thêm, càng nộp nhiều thì hoa hồng càng cao. Do lúc đó tôi lỡ mượn tiền người nhà nộp vào nên bị cuốn theo. Sau đó thì mới phát hiện là mình bị sa bẫy tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội. Giờ thì mất tiền, còn bị tiếng là già đầu mà dại”-chị T. chia sẻ.
Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2022, lực lượng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận 124 tin báo về lừa đảo trên không gian mạng với tổng thiệt hại tài sản trên 40 tỷ đồng. Người bị lừa nhiều nhất là hơn 10 tỷ đồng. Trong quý I-2023, toàn tỉnh có 46 tin báo lừa đảo trên không gian mạng với tổng thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Các chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu là giả danh Công an thông báo vi phạm giao thông rồi yêu cầu nộp tiền phạt, cung cấp mã tài khoản ngân hàng; giả mạo người nước ngoài gọi kết bạn, gửi tặng quà; gọi điện thông báo khóa sim điện thoại; tuyển cộng tác viên bán hàng, chốt đơn hàng với hoa hồng lớn; kêu gọi đầu tư; cho vay tiền online… Gần đây xuất hiện một hình thức lừa đảo mới là giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn, yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí. Không ít phụ huynh đã “sập bẫy” chiêu thức lừa đảo này.
Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng liên tục thay đổi, ngày càng tinh vi hơn. Cũng có những thủ đoạn không mới nhưng được “nâng cấp” nên vẫn có người dân bị lừa đảo. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa đảo.
“Chúng tôi có rất nhiều hình thức khuyến cáo người dân phòng-chống loại tội phạm này. Khi nhận các cuộc điện thoại lừa đảo như đã nói ở trên, người dân cần bình tĩnh, không cung cấp thông tin cho đối tượng mà liên hệ một số nơi liên quan để xác minh thông tin. Đối với những cuộc gọi điện thoại có đầu số trong nước hoặc có đầu số dấu cộng phía trước phải hết sức cẩn thận, không thực hiện theo hướng dẫn bấm tự động vào phím trên điện thoại. Khi sử dụng mạng xã hội, người dân cần hạn chế đăng video nói chuyện trên mạng xã hội để tránh đối tượng sử dụng công nghệ AI deepface thu được dữ liệu khẩu hình phục vụ hoạt động lừa đảo”-Thượng tá Sơn khuyến cáo.