Du lịch

Hành trang lữ hành

Cao điểm hè có 'mất nhiệt' vì giá vé máy bay?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đó là nỗi lo của nhiều điểm đến, các công ty lữ hành và cả các gia đình đang sắp xếp cho kỳ nghỉ cao điểm hè sắp tới, đúng lúc giá vé máy bay điều chỉnh tăng.

Ảnh hưởng đến giá tour

Ngày 1.3, Thông tư 34/2023 của Bộ GTVT bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực. Việc tăng trần giá vé máy bay vào đúng giai đoạn khủng hoảng lịch sử được coi là "tấm phao cứu sinh" cho các hãng bay để bù đắp chi phí do càng bay nhiều, càng nhọc nhằn gánh lỗ trước đó. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) du lịch lại như ngồi trên lửa bởi giá vé máy bay tăng đúng dịp trước thềm cao điểm du lịch 30.4 - 1.5 và mùa hè sắp tới có thể gây tác động rất lớn tới ngành du lịch.

Giá vé máy bay tăng từ 1.3.2024 khiến các DN du lịch lo lắng. Trong ảnh: Hành khách lên máy bay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 2.3

Giá vé máy bay tăng từ 1.3.2024 khiến các DN du lịch lo lắng. Trong ảnh: Hành khách lên máy bay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 2.3

Dẫn chứng năm 2023 giá vé máy bay đã khiến giá tour tăng và làm giảm sự lựa chọn các điểm đến nội địa khiến một loạt thủ phủ du lịch bất ngờ vắng khách như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh)…, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, nhớ lại những mùa du lịch hè trước (không kể dịch bệnh), các DN lữ hành sẽ phải chủ động đặt trước các dịch vụ vận chuyển, khách sạn... do lo ngại không đủ cung cấp theo nhu cầu du khách.

Tuy nhiên, mùa hè 2023 thì các công việc này lại dễ dàng một cách bất thường. Việc tìm kiếm dịch vụ với các DN nhẹ nhàng đến đáng lo. Ghi nhận của phòng kinh doanh Công ty Du lịch Việt cho thấy khá nhiều du khách quan tâm, nhưng sau khi so sánh với điểm du lịch ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore… thì họ lại quyết định không đến Phú Quốc.

Đến mùa thấp điểm như tháng 9, tháng 10.2023, khi giá vé máy bay hạ nhiệt, các hãng hàng không mở bán nhiều mức giá vé hơn nhưng đa phần chỉ dành cho các chuyến bay khung giờ tối và chỉ một vài khách đặt được, hầu như không thể dùng cho khách du lịch theo đoàn. Kết quả, năm 2023 lượng khách đặt tour nội địa tại Du lịch Việt đã lép vế so với khách đi nước ngoài với tỷ lệ là 40/60.

"Chi phí vé máy bay luôn là dịch vụ đầu vào quyết định khá lớn đến giá tour. Việc giảm hẳn nhu cầu du lịch nội địa, phần lớn do tác động giá vé máy bay tăng. Các DN lữ hành hiện tổ chức đưa du khách nội địa từ tối thiểu 3 địa phương là điểm đi chính như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến tham quan Hạ Long, Điện Biên, Sa Pa, Cần Thơ, Côn Đảo, Phú Quốc... thuận lợi chính nhờ các cảng hàng không quốc tế và có nhiều hãng bay, đường bay. Có thể nói rằng, hàng không là xương sống cho các sản phẩm du lịch nội địa và bất cứ biến động nào của giá vé cũng đều ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch", ông Phạm Anh Vũ nói.

Tại sao nước ta cứ giữ mãi một cơ chế quản lý giá vé máy bay nội địa mà cả thế giới không còn nữa? Chỉ đến khi những câu hỏi này được trả lời thì mới có thể bàn đến câu chuyện "bắt tay" thật sự hiệu quả giữa hàng không và du lịch. Nếu không, sẽ rất khó mong bình ổn giá vé máy bay, phát triển hàng không, du lịch bền vững.

Đại diện một hãng hàng không

Ông Dennis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty quản lý khách sạn Maxbooking, cũng lo lắng việc trần giá vé máy bay tăng từ ngày 1.3 có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường du lịch nội địa và inbound. Dù Maxbooking đang làm việc với các đối tác của mình để xúc tiến hoạt động khuyến mãi dành cho các công ty lữ hành và kênh OTA nhằm kích cầu trong tháng thấp điểm, song giá vé máy bay vẫn chiếm ngân sách lớn trong tổng giá tour nên các tuyến đa phần khách chọn đường bay sẽ bị ảnh hưởng.

Thách thức lớn cho các điểm đến

Mặc dù ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, dự kiến mức giá vé máy bay của năm 2024 sẽ tương đương với năm 2023 và chưa có sự thay đổi lớn, song thực tế, chưa chờ đến khi được tăng giá trần thì những biến động liên tục của thị trường hàng không thời gian qua đã vô hình trung thiết lập một mặt bằng giá vé máy bay cao ngất ngưởng.

Điển hình, ngay khi Hãng hàng không Bamboo Airways vừa thông báo chấm dứt sớm hợp đồng thuê 3 chiếc máy bay Embraer E190 - loại máy bay được sử dụng để khai thác các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới, rất nhiều du khách đã phải ngậm ngùi từ bỏ hành trình du lịch đầu năm.

Tìm chuyến bay từ Hà Nội đi Côn Đảo sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh An Thuyên (TX.Sơn Tây, Hà Nội) giật mình khi vé bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo của Bamboo Airways tất cả các ngày trong tháng 3 đều có giá cao "khủng hoảng". Chỉ số ít ngày có vé phổ thông linh hoạt giá 4,2 triệu đồng/chiều, đa phần các ngày đều chỉ còn vé hạng thương gia, giá gần 8 triệu đồng/chiều. "Chọn tới chọn lui, rẻ nhất cả đi cả về cũng phải 12 triệu đồng/người, đi 4 người hết 50 triệu tiền vé máy bay rồi, đỡ sao nổi. Tiện thể tôi cũng xem luôn vé đi Phú Quốc đợt 30.4 - 1.5 tới. Đi Vietnam Airlines gần 9 triệu đồng vé khứ hồi. Thôi hủy kèo luôn. Từ giờ tới đó mà vé không giảm thì tìm chỗ khác gần hơn, tự lái xe đi cho đỡ tốn", anh An Thuyên kể.

2024 được dự báo tiếp tục là năm đầy thách thức đối với du lịch Phú Quốc, nơi đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào các tổ hợp giải trí mới

2024 được dự báo tiếp tục là năm đầy thách thức đối với du lịch Phú Quốc, nơi đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào các tổ hợp giải trí mới

Tương tự, anh Nguyễn Đình (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng phải vất vả mới tìm được chiếc vé máy bay từ TP.HCM đi Hải Phòng ngày 29.2 với giá hơn 4 triệu đồng. Anh tính trở lại TP.HCM luôn vào hôm sau (1.3) nhưng không còn chuyến bay nào được khai thác, cả ngày chỉ có đúng một chuyến bay của Vietnam Airlines lúc 6 giờ 25 nhưng đã khóa sổ dải vé thường, còn vé hạng thương gia hơn 5,5 triệu đồng/chiều. Phải đến ngày 5.3 mới có thêm các chuyến bay chặng Hải Phòng - TP.HCM của Vietjet, Bamboo Airways với giá vé không chuyến nào dưới 3,4 triệu đồng/chiều.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đánh giá việc các hãng hàng không ồ ạt cắt, giảm hầu hết các đường bay ngách, đường bay lẻ tạo ra thách thức rất lớn cho thị trường du lịch nội địa trong năm nay. Du lịch không phải nhu cầu thiết yếu, khách năm nay không đi, để chờ giá vé hạ rồi năm sau đi cũng không sao. Vì thế, trước mắt có thể thấy ngay thị trường du lịch trong nước đi bằng đường hàng không sẽ khó khăn. Các hãng hàng không hoàn toàn ý thức được tác động nhưng do cung - cầu thị trường, chuyến bay giảm, giá cao vẫn đầy khách thì không thể yêu cầu họ giảm giá vé được. Vì thế, các công ty lữ hành cũng đang phải chủ động chuyển hướng, ưu tiên các thị trường gần, đi bằng xe lớn, bằng tàu hoặc bằng phương tiện cá nhân. Đồng thời, tập trung vào lượng khách VN đi nước ngoài. Đây là đối tượng khách năm nay khả năng vẫn giữ, thậm chí còn có thể tăng cao hơn.

Lữ hành có thể chuyển hướng được, nhưng theo ông Cao Trí Dũng, "khổ" nhất là các điểm đến, hệ thống lưu trú thời gian qua đầu tư rất mạnh cho các sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là Phú Quốc. Những điểm đến có thể sử dụng phương tiện cá nhân, phương tiện xe công cộng, xe du lịch, tàu hỏa tiếp cận thì vẫn có khả năng duy trì. Đơn cử như Tây Ninh, vừa qua du lịch phát triển đột biến. Đà Nẵng cũng đang có nhiều chính sách mạnh mẽ thu hút khách địa phương và khách từ các thị trường lân cận. Song, Phú Quốc là đảo, phương tiện đến chủ yếu là máy bay và đường thủy nên sẽ cực kỳ khó. Hiện sân bay Phú Quốc chỉ còn các chuyến bay nội địa đến từ Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Các hãng đã tạm ngừng khai thác tuyến bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa). Với những tổ hợp giải trí mới có giá trị hàng ngàn tỉ đồng, Phú Quốc sẽ phải dùng nguồn khách quốc tế bù đắp lại, nhưng khách quốc tế năm nay cũng chưa thể bùng nổ ngay được.

"Cả DN và các điểm đến đều đã bắt đầu phải nghĩ cách xoay chuyển để duy trì nguồn khách. Mặc dù vậy, hàng không vẫn là thị trường cơ bản nên mục tiêu thị trường nội địa năm nay của ngành du lịch khá khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tiến độ đưa máy bay hoạt động trở lại của các hãng hàng không. Hàng không và du lịch là hai cánh của máy bay. Một cánh lệch là chao đảo ngay", ông Cao Trí Dũng nhìn nhận.

Cơ chế giá trần có còn phù hợp?

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Thành (nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa), giao thông là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất của ngành du lịch nói riêng cũng như cả nền kinh tế nói chung. Với các công ty lữ hành, giá vé máy bay tăng có thể đẩy giá tour tăng đến

30 - 40%. Xu hướng hiện nay, người dân khi du lịch nội địa thường ít đi theo tour mà đi tự túc theo từng nhóm nhỏ bạn bè, gia đình. Vé máy bay quá cao, nếu khách "hủy kèo" thì du lịch thất thu; còn nếu khách chuyển sang đi tàu hỏa hoặc sử dụng ô tô gia đình thì hành trình sẽ phải tốn thêm 1 - 2 ngày di chuyển, đồng nghĩa giảm thời gian vui chơi, giảm mức chi tiêu. "Không chỉ giá dịp cao điểm, lễ tết mà đây là câu chuyện lâu dài của ngành du lịch. Một khi đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn thì rất khó xuống. Nếu tiếp tục tình trạng này, ngành du lịch VN sẽ đứng trước nguy cơ ngậm ngùi nhìn khách sang nước bạn kích cầu. Chính phủ nên có phương án bình ổn giá vé máy bay như giảm thuế, phí, hạ nhịp tăng giá", ông Nguyễn Văn Thành đề xuất.

Thế nhưng, điều tiết thị trường hàng không ở thời điểm này không hề đơn giản. Đại diện một hãng hàng không nhận định tình trạng khủng hoảng của ngành hàng không hiện nay có một phần không nhỏ là hệ quả của quá trình dài kinh doanh trong cơ chế vận hành không hợp lý. Năm nay, các hãng hàng không cắt, giảm nhiều đường bay nội địa vì cơ chế giá trần không theo thị trường, bay nhiều lỗ nhiều, trong khi sức khỏe tài chính của các hãng không còn tốt như trước dịch. Các hãng hàng không đã nêu vấn đề giá trần và kiến nghị bỏ giá trần suốt nhiều năm nay, nhưng việc xem xét, giải quyết quá chậm, buộc mỗi hãng phải tự hành động theo hướng cắt, giảm đường bay, chuyến bay vì sự tồn tại của mỗi DN.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài ngày 2.3

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài ngày 2.3

Theo vị đại diện này, các hãng hàng không quản trị giá vé theo giá trung bình mục tiêu, hướng tới đạt mức giá vé trung bình sao cho không bị lỗ, có lãi thì tốt. Để có nhiều chỗ bán với các loại giá vé rẻ mà du khách nội địa thường sử dụng, các hãng hàng không phải có cơ hội bán được một số lượng chỗ trên chuyến bay với các giá vé cao, thường là cho các đối tượng hàng không đi lại với các mục đích không phải du lịch (khách công vụ, kinh doanh, thăm thân...), mua vé sát ngày bay và muốn có các điều kiện áp dụng vé linh hoạt (có thể đổi vé, hoàn - hủy vé). Càng bán được nhiều chỗ với giá vé cao cho các đối tượng hành khách như thế thì càng có nhiều chỗ trên chuyến bay cho các đối tượng nhạy cảm về giá vé. Tuy nhiên, cơ chế giá trần tạo ra sự cào bằng giữa các đối tượng hành khách, giữa người giàu muốn nhiều điều kiện về dịch vụ và sự linh hoạt, với người có thu nhập thấp hơn, người nghèo, muốn giá vé máy bay rẻ với các điều kiện áp dụng ngặt nghèo, phải mua vé xa ngày bay.

"Giới chuyên gia đã mổ xẻ chuyện này rất nhiều rồi, câu hỏi là đến bao giờ cơ chế giá trần được hình thành từ thời bao cấp mới được hủy bỏ? Đến bao giờ các hãng hàng không VN mới được kinh doanh, phát triển theo cơ chế thị trường? Tại sao nước ta cứ giữ mãi một cơ chế quản lý giá vé máy bay nội địa mà cả thế giới không còn nữa? Chỉ đến khi những câu hỏi này được trả lời thì mới có thể bàn đến câu chuyện "bắt tay" thật sự hiệu quả giữa hàng không và du lịch. Nếu không, sẽ rất khó mong bình ổn giá vé máy bay, phát triển hàng không, du lịch bền vững", vị đại diện hãng hàng không nhấn mạnh.

Khách nội địa đi máy bay dịp tết giảm bất thường

Báo cáo số liệu tổng khai thác giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ghi nhận, lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19, lượng khách quốc nội qua sân bay Tân Sơn Nhất mùa cao điểm Tết Nguyên đán giảm khá mạnh, thậm chí giảm mạnh hơn cả mùa tết 2020.

Theo đó, tổng lượng khách quốc tế tăng mạnh tới 33,87% so với năm 2023, tăng đột biến gần 2.600% (tức khoảng 26 lần) so với giai đoạn 2022. Tuy nhiên, lượng khách quốc nội lại giảm gần 11,15%. Điều này cho thấy số lượng người dân từ khu vực miền Nam bay về quê dịp Tết Giáp Thìn 2024 ít hơn khá nhiều so với Tết Quý Mão 2023. Thực tế này đã được dự báo trước đó, khi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người lao động giảm, thì giá vé máy bay tết năm nay tăng rất cao và nhiều chặng khan hiếm vé.

Nhắm đến đối tượng đi phương tiện cá nhân

Việc chuyển hướng sang đường sắt, đường bộ cũng bị giới hạn về sức chứa, năng lực phục vụ. Do đó, đối tượng có thể nhắm đến huy động sớm nhất, nhanh nhất là phương tiện cá nhân. Khách đi xe gia đình là lực lượng rất đông, nên điểm đến nào nhắm vào đối tượng đó sẽ rất bền. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa việc phát động du lịch của các địa phương, các nhóm dịch vụ với giao thông, làm sao cho hài hòa, nhịp nhàng, hợp lý.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Tăng tốc hút khách ngoại để bù khoảng trống khách nội

Theo các DN du lịch, tăng giá vé máy bay thì thị trường khách quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không nhiều, do các hãng hàng không trong nước vẫn ưu tiên giữ đường bay quốc tế trục chính; đồng thời có các hãng hàng không nước ngoài san tải. Do đó, khả năng đạt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay vẫn khả thi. Để tăng tốc đón khách quốc tế bù lại khoảng trống cho lượng khách nội địa có thể sụt giảm mạnh, các DN kiến nghị tiếp tục mở rộng chính sách visa, miễn visa cho đối tượng khách tiềm năng, chi tiêu cao như Úc, New Zealand, các nước Tây Âu, Đông Âu... Đồng thời, xây dựng chiến dịch quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ tầm quốc gia, để những sản phẩm mới, "bom tấn" mới thực sự phát huy tiềm năng hút khách quốc tế đến VN.

Có thể bạn quan tâm