Du lịch

Hành trang lữ hành

Cao nguyên Kon Hà Nừng và dấu chân người lính Đoàn 332

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tháng 9-2021, cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Để có được vinh dự này, ít ai biết 46 năm về trước đã có những người lính không ngại gian khổ hy sinh, dấn thân vào chốn rừng thiêng nước độc khảo sát, thống kê tài nguyên thiên nhiên để có những cứ liệu khoa học, đặt nền móng cho việc ra đời khu dự trữ sinh quyển sau này.

Sau ngày đất nước thống nhất, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước chuyển lực lượng quân đội sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, ngày 2-12-1976, Đoàn 332 được thành lập. Khu vực Kon Hà Nừng thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ được giao cho Đoàn 332 quản lý, xây dựng thành vùng kinh tế lâm nghiệp quốc doanh trung ương.

Để có cơ sở hình thành các phương án sản xuất, bố trí lực lượng, đầu năm 1977, Đoàn 332 đã thành lập đoàn khảo sát với quân số 1 tiểu đoàn (gọi là Tiểu đoàn khảo sát) với nhiệm vụ phân loại, đánh giá trữ lượng tài nguyên rừng; thống kê, phân loại động-thực vật, dược liệu… Không có thời gian để chuẩn bị lâu, sau quãng thời gian ngắn tập huấn, đơn vị khẩn trương bắt tay thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nông Văn Tưởng-nguyên Giám đốc Lâm trường Ka Nak, từng là chiến sĩ Tiểu đoàn khảo sát-kể: Rừng Kon Hà Nừng bấy giờ nhiều nơi chưa từng in dấu chân người. Suốt nửa năm trời không biết đến một mái nhà, chúng tôi ngày nối ngày cứ miên man với dốc cao, suối thẳm, với những cánh rừng thâm u không chút bóng mặt trời. Muỗi, vắt cắn nát thịt da; thức ăn là cơm nắm, rau rừng, cá suối; nhà là chiếc võng căng tấm ni lông che nắng che mưa. Rừng nhiều thú dữ, hàng đêm phải đốt một đống lửa thật lớn để xua đuổi chúng nhưng giấc ngủ vẫn cứ chập chờn không yên.

Thác 50 là một trong những điểm đến hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Phương Vi

Thác 50 là một trong những điểm đến hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Phương Vi

Biết bao gian nan vất vả mà đâu chỉ có thế. Cho đến bây giờ, đồng đội ngày ấy vẫn còn nhắc tấm gương hy sinh của liệt sĩ-Thượng úy Âu Mỹ Trường. Anh Trường bấy giờ là Chính trị viên Tiểu đoàn. Hôm đó, anh cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ thì không may vướng phải bẫy thò săn thú của đồng bào dân tộc thiểu số. Vết thương chỉ vào phần mềm nhưng trúng phải động mạch chủ nên máu chảy nhiều. Trong điều kiện chỉ có phương tiện sơ cứu, đồng đội đã nỗ lực băng rừng cõng anh về trạm xá nhưng đường đi hiểm trở lại quá xa, anh Trường cứ lả dần trên vai đồng đội. Biết mình không qua khỏi, trước lúc tắt thở, anh rút trong túi ra 600 đồng đưa cho đồng đội dặn mua cho mình cỗ ván, sợ đơn vị mới thành lập chưa có tiền.

Sau nửa năm trời với bao gian khổ hiểm nguy, bằng ý chí kiên cường của người lính, Tiểu đoàn khảo sát đã hoàn thành nhiệm vụ. 340.910 ha rừng đã được điều tra và thống kê tài nguyên. Theo đó, rừng Kon Hà Nừng có tổng trữ lượng gỗ 32 triệu m3 gỗ tròn; thực vật có khoảng 100 họ với 150 chi và trên 300 loại cây nhiệt đới. Ngoài các loại gỗ quý như: giáng hương, cà te, cẩm lai, các loại gỗ làm vật liệu cho công nghiệp chế biến như thông nàng, xoan, gáo…, rừng Kon Hà Nừng còn có nhiều dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Về động vật rừng, Kon Hà Nừng có gần 60 loài thú, 200 loài chim, 100 loài bò sát.

Kết quả điều tra của đoàn khảo sát đã khẳng định: Kon Hà Nừng là một trong những khu rừng giàu tài nguyên nhất nước ta, vừa mang giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sống, vừa mang ý nghĩa chiến lược quốc phòng vô giá… Với thành tích xuất sắc này, Tiểu đoàn khảo sát đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Từ một vùng thiên nhiên hoang sơ, lần đầu tiên, tài nguyên, động-thực vật, khí hậu đã được thống kê chính xác, khoa học. Từ kết quả điều tra này, Đoàn 332-Liên hiệp Kon Hà Nừng đã phân chia đất rừng thành 11 lâm trường, 5 xí nghiệp để có kế hoạch khai thác, làm giàu rừng hợp lý; đồng thời hình thành 2 khu: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng.

Cũng từ kết quả điều tra này, Kon Hà Nừng đã thu hút nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, trong đó có các nhà khoa học của các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô. Đặc biệt, để thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Liên Xô, tháng 12-1978, đoàn chuyên gia Liên xô đã đến làm việc với Bộ Chỉ huy Đoàn 332 để bàn việc hợp tác xây dựng Khu Kinh tế lâm-công nghiệp Kon Hà Nừng. Tuy nhiên, sau đó do những biến động chính trị ở Đông Âu, kế hoạch hợp tác đành bỏ dở.

Có thể bạn quan tâm