Kinh tế

Cầu Phú Cần: Khơi dậy tiềm năng của vùng đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) đã tổ chức lễ khánh thành, thông xe kỹ thuật cầu Phú Cần (huyện Krông Pa). Đây được xem là một sự kiện đặc biệt khi nối nhịp giao thương hai bờ sông Ba sau nhiều năm gián đoạn. Đồng thời, ghi dấu một chương mới cho công trình xây dựng mang tên nhiều ý nghĩa, nhiều kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho vùng đất giàu truyền thống này...
 

 Người dân 2 bên bờ sông Ba phấn khởi đi qua cầu Phú Cần. Ảnh: Sơn Ca
Người dân 2 bên bờ sông Ba phấn khởi đi qua cầu Phú Cần. Ảnh: Sơn Ca

Cầu Phú Cần được xây dựng tại vị trí điểm đầu là Km0+00 và điểm cuối là Km0+892.06 trên trục đường từ thị trấn Phú Túc đi xã Đất Bằng. Theo hồ sơ kỹ thuật, đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, chiều dài toàn tuyến là 892,06 mét. Phần cầu thiết kế dạng bê tông cốt thép vĩnh cửu, có chiều dài 276,71 mét, 8 nhịp; tải trọng thiết kế  HL93; bề rộng mặt cầu 8 mét, khổ cầu 7 mét... Được khởi công từ tháng 9-2012, công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng chuyên ngành GTVT quản lý và điều hành dự án, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng 470 trực tiếp thi công. Đến tháng 9-2014, công trình đã hoàn thành các hạng mục theo hồ sơ thiết kế, với giá trị tổng dự toán là 88,042 tỷ đồng.  Là cây cầu thi công qua sông nước, với chiều dài gần 300 mét nên đơn vị thi công đã sử dụng hệ thống cừ xen, đóng làm đường dẫn lắp cáp để ra thi công giữa dòng. Với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và công nhân vượt qua những khó khăn, trở ngại do địa hình thi công, quyết tâm vượt lũ đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Trong niềm hân hoan chào mừng công trình mới, đông đảo người dân đã tạm gác công việc đồng áng, rủ nhau về đây từ buổi sớm tinh mơ  và hồi hộp chờ đợi phút giây cắt băng khánh thành. Có mặt trong tốp người đầu tiên đi bộ qua cầu, bà Nguyễn Thị Bình (thôn Hưng Phú 4, xã Chư Drăng) nói: “Có được cây cầu này tôi thấy mình như sống lại! Trước kia có cây cầu Bung, đi lại được vài năm thì nó bị hỏng nên chúng tôi phải chịu cảnh đò ngang khổ sở quá-sợ nhất là khi mưa to, nước lũ về. Giờ có cây cầu này bà con chúng tôi như chim sổ lồng, dù còn đói nghèo nhưng được đi lại thoải mái trên chiếc cầu như thế này chúng tôi cũng thấy hạnh phúc lắm”.

 

 

Cũng như nhiều gia đình khác trong vùng, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Bình tập trung vào mùa mì, vụ bắp hoặc trồng cây thuốc lá. Gần 8 năm bị gián đoạn giao thông sau sự cố cầu cũ, việc đi lại của người dân các xã: Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng, Uar và xã Phú Cần gần như phụ thuộc vào đò giang hoặc phải chấp nhận đi đường vòng. Trắc trở giao thương nên hàng hóa, nông sản do nông dân sản xuất ra cũng bị kém giá bán, chi phí sản xuất vận chuyển lại đội lên cao... Giờ có cây cầu nối đôi bờ, nông dân 5 xã phía Tây và 1 xã phía Đông sông Ba đã có  điều kiện thuận lợi để lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản cũng như đảm bảo nhu cầu đi lại, sinh hoạt hàng ngày.

Hòa chung niềm vui với nhân dân, ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh và ngành GTVT, cầu Phú Cần được đầu tư xây dựng mới năm 2012 và đến nay đã hoàn thành. Công trình này nối thông giữa hai vùng của huyện Krông Pa, bao gồm 5 xã bên bờ Tây sông Ba và 1 xã bên bờ Đông với hơn 10.000 dân sinh sống. Đây là vùng giàu tiềm lực phát triển nông nghiệp trù phú với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, có các nhà máy, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp-lâm nghiệp, khai thác khoáng sản. Do vậy, việc khánh thành cầu Phú Cần có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực phấn khởi cho đông đảo bà con trong vùng, cũng như các lực lượng sản xuất kinh doanh trên địa bàn, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới cho khu vực vùng đệm thị trấn và các vùng lân cận.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm