Kinh tế

Cây quýt đường - mở hướng thoát nghèo cho nông dân Chư Păh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bén rễ trên đất Chư Păh (tỉnh Gia Lai) khoảng 5 năm trở lại đây, cây quýt đường đang được nhiều nông dân lựa chọn trồng trên vùng đất khô cằn, sỏi đá. Đến nay, cây quýt đường đã cho thu nhập cao, giúp nông dân từng bước thoát nghèo và làm giàu.

Cây giảm nghèo, làm giàu

Chúng tôi cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) Phạm Quý vượt con đường đất nhỏ ngoằn nghèo tới thăm vườn quýt sum suê quả, che kín cả đường đi bên vách núi khô cằn của anh Phạm Đức Lý (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh).

z5902338315196-8d4cbf93d25478c9235819a94f9aea7d-4092.jpg
Anh Phạm Đức Lý (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) vui mừng vì gần 2.000 cây quýt trồng trên đất sỏi đá, bạc màu đang cho sản lượng cao. Ảnh: Đinh Yến

Gia đình anh Lý vào mảnh đất Ia Khươl lập nghiệp từ năm 1998 đến nay. Vốn là thợ sửa xe máy, công việc bấp bênh rồi anh đi làm thuê ở các công trình thủy điện cũng không ổn định nên khi tích lũy được chút vốn anh quyết định bàn với vợ mua rẫy làm nông nghiệp. Mảnh đất 1,4 ha anh Lý mua nằm gần chân núi chủ yếu là đất sỏi khô cằn, trồng cây mì cũng không thể sống nổi nên chủ đất gần như bỏ hoang.

Anh bỏ nhiều công sức để cày xới, thu gom đá sỏi để cải tạo đất. Tiếp đến, anh Lý thực hiện rải các lớp phân chuồng ủ hoai, mùn mía để tăng thêm chất dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, để cỏ mọc tự nhiên, sau đó dùng máy cắt phần ngọn để tạo độ mùn, tăng độ ẩm cho đất.

z5902338304618-a010bfa07907593d7da3c826c6b06260-7822.jpg
Anh Phạm Đức Lý (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cải tạo đất sỏi đá, bạc màu để trồng quýt cho hiệu quả cao. Ảnh: Đinh Yến

Khi cải tạo đất xong, đã mang mẫu đất đi nhiều nơi nhờ phân tích xem trồng cây gì phù hợp. Sau đó, anh Lý quyết định chọn các loại cây ăn quả có múi như quýt, cam, bưởi để trồng. Nhưng cây chủ lực vẫn là quýt đường.

Lúc đầu, nhiều người đến thăm vườn thấy anh trồng quýt đường lại càng ngạc nhiên, cho rằng anh ngược đời vì trồng vùng đất này lâu nay người dân chủ yếu trồng cây cà phê, hồ tiêu… Nhưng anh Lý vẫn quyết định tìm hiểu giống quýt để trồng.

“Tôi nghĩ khi cây được chăm sóc phân bón, nước tưới bài bản thì cây gì cũng sẽ cho quả ngọt. Đất cũng chỉ một phần nên tôi lặn lội xuống miền Tây lựa chọn giống quýt chất lượng nhất đem về trồng”- anh Lý chia sẻ.

Tuy nhiên, chăm sóc cây quýt đòi hỏi nhiều công sức từ lúc trồng cho tới lúc hái quả. Quan trọng nhất là phải giữ cho cây có đủ nước và phòng ngừa được sâu bệnh. Thời điểm cây ra hoa đậu quả, anh tập trung bón phân, tỉa cành, loại bỏ những quả bé, quả dị dạng, quả có màu sắc kém để cây tập trung dinh dưỡng cho những quả đẹp phát triển tốt.

3 năm sau, gần 2.000 cây quýt mang lại những quả ngọt đầu tiên trong niềm phấn khởi của vợ chồng anh Lý. Với mức giá 20.000 đồng/kg, anh Lý đang bán tại vườn, sau khi trừ chi phí gia đình thu về hơn 400 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình anh dần dần vươn lên khá giả.

z5902338305626-34d2398eb9cfb8f894222d42cfa48080-1387.jpg
Năm 2020, gia đình bà Vũ Thị Loan (làng Kon Sơ Lăng, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) trồng hơn 1.000 cây quýt đường mua từ miền Tây về trên diện tích 2 ha đất. Ảnh: Đinh Yến

Tương tự, năm 2020, gia đình bà Vũ Thị Loan (làng Kon Sa Lăng, xã Hà Tây) cũng mua hơn 1.000 cây quýt đường từ miền các tỉnh miền Tây về trồng trên diện tích 2 ha đất. Vừa học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ các nhà vườn trồng quýt, vừa tự tìm tòi, nghiên cứu thêm trên internet, bà Loan đã dần làm chủ được kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây ăn quả có múi này.

Bà Loan chia sẻ: Khu vườn của gia đình tôi có hơn 1.000 cây quýt đường, 250 cây bưởi da xanh, gần 100 cây sầu riêng trồng được 1 năm. Riêng hơn 1.000 cây quýt đường, mỗi vụ cho thu trên 15 tấn quả. Với giá bán trung bình 20 ngàn đồng/kg quýt đường tại vườn, nên mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình lãi hơn 200 triệu đồng.

Cũng theo bà Loan, vùng đất này là đất cát, sỏi đá, có khí hậu mát mẻ, nên quýt phát triển tốt, cho quả mọng nước, vị ngọt đậm đà, trồng theo hướng hữu cơ, quýt sạch được thị trường ưa chuộng.

z5902354541906-4461156fd3bb95be9ddf944f2240d3e6-4433.jpg
Theo bà Loan, vườn quýt của gia đình bà ở cách trung tâm xã Hà Tây gần 10 km, đường đi lại khó khăn. Điều mong mỏi nhất là ở đây có đường đi lại thuận tiện để việc mua bán trái cây giữa thương lái với gia đình sẽ khởi sắc. Ảnh: Đinh Yến

Tuy nhiên, theo bà Loan, vườn quýt của gia đình bà ở cách trung tâm xã Hà Tây gần 10 km, đường đi lại khó khăn. “Điều mong mỏi nhất là ở đây có đường đi lại thuận tiện để việc mua bán trái cây giữa thương lái với nông dân sẽ khởi sắc. Hiện tại, vườn quýt của gia đình tôi, thương lái chưa biết nhiều. Cuối tháng 10 này, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch chính vụ quýt đường. Thời gian thu hoạch kéo dài 5 tháng. Cũng nhờ trồng trái cây sạch theo hướng hữu cơ, mới đây gia đình mang quýt bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao và nhiều người mua về dùng”-bà Loan bộc bạch.

Gia tăng giá trị quýt đường

1-nhieu-du-khach-tim-toi-nong-trai-huyfarm-de-tham-quan-picnic-va-check-in-vuon-cay-tuyet-voi-nay-anh-quang-huy-1962-7616.jpg
Vườn quýt bà Nông Thị Hai (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) hiện là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, check in và mua về dùng. Ảnh: Ngọc Huy

Hiện nay, vườn quýt đường của bà Nông Thị Hai (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) kết hợp trồng quýt với cung cấp các dịch vụ thăm quả, chụp ảnh check-in và mua quả tại vườn. Nếu thích du khách còn có thể trải nghiệm các công đoạn chăm sóc quýt như: tỉa cành, dọn cỏ, thu hái quả… Hoạt động này vừa tăng thêm nguồn thu cho người dân, vừa xây dựng được thương hiệu quýt sạch trong lòng du khách, giúp du khách tin tưởng hơn vào chất lượng của quýt từ vườn.

Vườn quýt đường chuẩn VietGAP của gia đình bà Hai hiện có gần 2.000 cây là nơi dừng chân hấp dẫn cho du khách gần xa khi đến huyện Chư Păh. Dịch vụ này được mẹ con bà Hai mở ra cách đây 3 năm. Khi khách du lịch hay người thân, họ hàng xa ghé nhà chơi, bà Hai đều niềm nở mời ra vườn quýt để thưởng thức những trái quýt chín vàng ươm, mọng nước, ngọt lịm.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Lý làm trưởng đoàn khách du lịch TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) do sau khi ghé thăm vườn quýt của bà Hai đã trầm trồ: “Đến vườn quýt của bà Hai, sau khi tự tay hái, thưởng thức những quả quýt tươi ngon, chúng tôi còn được tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, bón phân cho quýt nên hoàn toàn yên tâm khi thưởng thức những trái quýt sạch và đặt mua thêm quýt về làm quà sau chuyến du lịch”.

z5902361777615-3b532c68114172d659fe6212dc5b427d-5790.jpg
Vợ chồng con rể bà Loan hàng ngày cùng mẹ chăm sóc vườn quýt đường rất vui vì sản lượng năm nay đạt cao. Ảnh: Đinh Yến

Còn bà Vũ Thị Loan cho rằng: “Vườn quýt của gia đình tôi nằm thoai thoải bên sườn núi, bao quanh là vườn cao su xanh mướt của Công ty TNHH một thành viên cao su Chư Păh và ngay cạnh đập thủy điện Hà Tây. Với lợi thế này, gia đình tôi đang tìm hướng quảng bá hình ảnh vườn quýt đường để du khách gần xa đến tham quan, thưởng thức những trái quýt sạch”.

z5902370896020-12c5f9454b3b6e84b0ec63e9c69d37c2-9456.jpg
Vườn quýt của anh Phạm Đức Lý (bìa phải), cách trung tâm xã Ia Khươl gần 3 km cũng là điểm lý tưởng để du khách và thương lái tìm đến thưởng ngoạn, đặt mua hàng. Ảnh: Đinh Yến

Còn vườn quýt của anh Phạm Đức Lý, cách trung tâm xã Ia Khươl gần 3 km, nơi đây cũng là điểm lý tưởng để cho du khách và thương lái tìm đến trang trại. Mô hình trồng quýt trên đất sỏi cát bạc màu thành công của anh Lý đã được nhiều nông dân trong, ngoài huyện tìm đến học hỏi. “Sản phẩm quả quýt tại vườn của gia đình tôi hiện không đủ để cung cấp cho thị trường. Các thương lái tìm đến vườn tự cắt, thu hoạch, gia đình bán với giá bình quân 20.000 đồng/kg”-anh Lý cho hay.

Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết: 5 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Păh đã trồng cây ăn trái, nhất là quýt, cam trên diện tích đất khô cằn sỏi cát bạc màu. Với diện tích đất này trước đây người dân hầu như bỏ hoang nhưng hiện nay đã tạo nên vườn cây ăn quả phát triển xanh tốt. “Mô hình quýt đường của anh Lý, bà Loan, bà Hai rất hiệu quả. Mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện học hỏi cũng đã chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng quýt và cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện có khoảng hơn 10 ha quýt đường… tập trung ở các xã: Ia Nhin, Ia Khươl, Hà Tây và Đak Tơ Ver.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, UBND các xã tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để người dân áp dụng vào sản xuất, trồng cây ăn quả. Ngành cũng sẽ định hướng người dân trồng quýt liên kết sản xuất theo nhóm hộ để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập huấn, tuyên truyền để người dân trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập”-ông Sơn thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm