Cây thuốc lá hệ lụy phá rừng kỳ 2: Cây trồng khó thay thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thuốc lá là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai. Vì vậy, dù việc sấy thuốc lá gây ra nhiều tác hại cho môi trường, sức khỏe người dân, nhưng diện tích cây trồng này tại vùng Đông Nam tỉnh vẫn duy trì và phát triển ổn định.

Hiệu quả kinh tế cao

Cây thuốc lá có giá ổn định ở mức cao do được các công ty đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Vì thế, loại cây trồng này được nhiều người dân vùng Đông Nam tỉnh lựa chọn. Vụ Đông Xuân 2020-2021, người dân vùng này trồng gần 3.500 ha thuốc lá, trong đó, huyện Krông Pa 2.033 ha, Ia Pa 1.019 ha, Phú Thiện 192 ha và thị xã Ayun Pa 250 ha.

Theo ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, huyện không khuyến khích mở rộng diện tích cây thuốc lá. Tuy nhiên, so với các cây trồng khác thì thuốc lá đem lại thu nhập cao hơn nhiều. Do đó, hầu như những diện tích đất phù hợp và có nguồn nước đảm bảo đều được người dân sử dụng để trồng cây thuốc lá.

Nhờ trồng cây bạch đàn nên gia đình chị Nguyễn Thị Bình (buôn Lúk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đã chủ động nguyên liệu sấy thuốc lá. Ảnh: Quang Tấn
Nhờ trồng cây bạch đàn nên gia đình chị Nguyễn Thị Bình (buôn Lúk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đã chủ động nguyên liệu sấy thuốc lá. Ảnh: Quang Tấn


Thấy cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, gia đình chị Siu HLam (buôn Kơ Nia, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) đã chuyển toàn bộ diện tích rau màu sang trồng loại cây này. Chị cho biết: “Trước đây, gần 2 ha đất của gia đình mình chủ yếu trồng mì, bắp… nhưng thu nhập khá bấp bênh, đời sống gặp nhiều khó khăn. Thấy mọi người trong buôn trồng thuốc lá cho thu nhập cao, mình đã học hỏi kinh nghiệm và chuyển dần sang trồng loại cây này. Từ đó, thu nhập của gia đình ổn định hơn.

Hàng năm, mình được công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật. Đến khi thu hoạch, công ty tới tận nơi thu mua với giá cao. Điển hình như vụ này, nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất ước đạt hơn 3 tấn thuốc lá khô/ha. Với giá bán dao động từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu được hơn 70 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với cây mì”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Bình (buôn Lúk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) cũng đã gắn bó với nghề trồng cây thuốc lá hơn 20 năm. Theo chị Bình, trồng thuốc lá tuy vất vả và đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nhưng cho thu nhập ổn định hơn một số loại cây khác.

“Trồng thuốc lá thì người dân chúng tôi không lo đầu ra, bởi ngay từ đầu vụ đã được công ty ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi năm, với 2 ha thuốc lá, tôi thu được 160-200 triệu đồng. Như vụ này, nhờ mưa thuận gió hòa nên cây thuốc lá sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, lá thuốc đẹp, ước năng suất đạt khoảng 4 tấn khô/ha. Với giá bán hơn 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi còn lãi 100 triệu đồng/ha”-chị Bình chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Với đặc điểm chất đất giàu kali, nhiệt độ cao, nắng gắt nên sản phẩm thuốc lá trên địa bàn huyện được đánh giá rất cao về chất lượng. Do đó, cây thuốc lá trồng tại “chảo lửa” Krông Pa rất được các nhà máy ưa chuộng để chế biến các loại thuốc lá cao cấp. Trên địa bàn có rất nhiều công ty, cơ sở thu mua ký kết hợp đồng với người dân để đầu tư, thu mua sản phẩm nên hiệu quả kinh tế mang lại luôn ổn định. So với cây mì thì lợi nhuận từ cây thuốc lá cao gấp 3-4 lần.

Tuy nhiên, đây là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, chất đất phù hợp, nguồn nước đảm bảo, chi phí đầu tư lớn cộng với nhiều hệ lụy kéo theo như ô nhiễm môi trường, tình trạng phá rừng lấy củi làm chất đốt cho lò sấy thuốc lá nên huyện không khuyến khích mở rộng diện tích. Hàng năm, huyện chỉ duy trì ổn định diện tích loại cây này khoảng 2.000 ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 2,8-3 tấn/ha, giá bán dao động ổn định từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg.

Nguy hại đến môi trường

Cây thuốc lá tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng để lại không ít hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất cũng như cộng đồng dân cư. Để phục vụ nhu cầu sấy thuốc lá, người dân vùng Đông Nam tỉnh đã xây dựng hơn 1.000 lò sấy thủ công (huyện Krông Pa có 500 lò, huyện Ia Pa 229 lò, huyện Phú Thiện 134 lò và thị xã Ayun Pa 152 lò). Hầu hết các lò sấy này được người dân xây dựng ngay tại khu dân cư để tiện việc đốt, canh nhiệt độ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bán được giá cao.

Các lò gạch trên địa bàn các huyện, thị phía Đông Nam tỉnh cũng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Các lò gạch ở vùng Đông Nam tỉnh cũng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Thời điểm này, các lò sấy thuốc lá đang hoạt động hết công suất. Muốn có một mẻ thuốc lá đạt chất lượng, có màu đẹp thì người dân phải túc trực liên tục 7 ngày đêm để đốt lò, canh lửa. Hàng năm, thời gian các lò sấy thuốc lá hoạt động bình quân kéo dài khoảng 2 tháng (tháng 3 và 4). Sức nóng của vùng “chảo lửa” Đông Nam tỉnh cùng khí thải tỏa ra từ các lò sấy thuốc lá hoạt động cả ngày lẫn đêm bao trùm lên các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường sống và đe dọa sức khỏe của người dân xung quanh.

Ông Kpă Líu (buôn Jưh Ama Nai, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) cho hay: “Cứ mỗi khi đến mùa sấy thuốc lá thì không khí nơi đây bị ô nhiễm bởi khí thải từ các lò sấy. Bên cạnh đó, mùi hăng hắc của thuốc lá khi sấy khô cũng rất khó chịu và rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân trong buôn nên đành chấp nhận sống chung với mùi thuốc lá và khói bụi từ lò sấy”.

Còn chị Nguyễn Thị Bình (buôn Lúk, xã Phú Cần) thì cho biết: “Dù biết mùi thuốc lá, khói từ lò thải ra rất độc, nhưng đành chấp nhận vì giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại cao và ổn định hơn các cây trồng khác. Để hạn chế độc hại khi sấy thuốc lá, vợ chồng tôi luôn đeo khẩu trang”.

Theo ông Đinh Xuân Duyên, bên cạnh việc gây nguy hại đến tài nguyên rừng, việc phát triển cây thuốc lá cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân cũng như làm thoái hóa đất.

“Để có những lá thuốc chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến đòi hỏi người dân phải áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc rất cao. Chính vì vậy, trong quá trình sản xuất, người dân sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật để phun nhằm ngăn chặn sâu bệnh hại. Việc liên tục tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc sinh học thì cũng gây rất nhiều tác hại đến sức khỏe con người. Ngoài ra, hầu hết các ruộng thuốc lá đều được trồng ở những vùng gần nguồn nước nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều sẽ gây ô nhiễm nguồn nước cũng như làm thoái hóa đất…”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết thêm.

 Để bảo vệ sức khỏe, vợ chồng chị Bình luôn đeo khẩu trang. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Để bảo vệ sức khỏe, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bình (buôn Lúk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) luôn đeo khẩu trang khi sấy thuốc lá. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Đồng quan điểm, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho rằng: Quá trình canh tác cây thuốc lá sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nguồn nước, không khí mà còn gây thoái hóa đất. Chính vì vậy, những năm qua, huyện không khuyến khích mở rộng diện tích cây thuốc lá trên địa bàn. Đồng thời, Phòng cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di dời các lò sấy thuốc ra xa khu dân cư để hạn chế ô nhiễm.  

Theo các chuyên gia y tế, trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất. Trong số này có hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe, đặc biệt có đến 70 chất gây ung thư. Do đó, khói từ các lò sấy thuốc lá cũng chứa không ít chất độc hại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, trước lợi nhuận kinh tế, việc vận động người dân từ bỏ hoặc giảm diện tích loại cây trồng này là không khả thi. Chính vì vậy, các ngành và chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu để giải quyết dứt điểm mối nguy hại này.

 

 VĨNH HOÀNG-QUANG TẤN